LA20.071_Đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi sau phúc mạc tạo hình khúc nối niệu quản – bể thận kiểu cắt rời
Hẹp khúc nối niệu quản – bể thận (NQ-BT) là một trong những bệnh lý thường gặp trong niệu khoa. Khúc nối hẹp làm cho sự lưu thông của nước tiểu từ bể thận xuống niệu quản bị tắc nghẽn gây ứ nước ở thận. Đa số trường hợp bệnh có nguồn gốc bẩm sinh và thường được phát hiện sớm chu sinh do sự sử dụng rộng rãi siêu âm trong thai kỳ. Tuy nhiên nhiều trường hợp chỉ được phát hiện muộn ở người lớn do đặc điểm của bệnh là hiếm khi khúc nối chít hẹp hoàn toàn, do đó bệnh thường diễn tiến âm ỉ, chức năng thận giảm từ từ, đôi khi thận mất chức năng khi được phát hiện. Ngoài ra bệnh còn do các nguyên nhân mắc phải như sỏi niệu, viêm nhiễm, trào ngược dòng,… Có nhiều phương pháp để điều trị bệnh lý hẹp khúc nối niệu quản – bể thận. Trước đây phẫu thuật mở tạo hình khúc nối là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Ngày nay với xu hướng điều trị ít xâm hại nhằm làm giảm thời gian nằm viện và giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, các phương pháp tạo hình qua nội soi niệu quản ngược chiều, nội soi thận qua da và nội soi ổ bụng ngày càng được áp dụng rộng rãi. Nhiều nghiên cứu ở nước ngoài gần đây cho thấy phẫu thuật nội soi (PTNS) ổ bụng tạo hình khúc nối có kết quả tương đương với phẫu thuật mở và được xem là phẫu thuật tiêu chuẩn trong điều trị bệnh lý hẹp khúc nối niệu quản – bể thận [26], [53], [67], [131]. Trong các kỹ thuật
tạo hình khúc nối được sử dụng trong phẫu thuật nội soi, cắt rời kiểu Anderson-Hynes là kỹ thuật được đa số phẫu thuật viên thực hiện, cho kết quả tốt nhất [43], [139].
Ở nước ta hiện nay, nhờ sự phổ biến rộng rãi của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X quang, cùng với ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, tỉ lệ bệnh nhân hẹp khúc nối niệu quản – bể thận được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng. Nếu như theo báo cáo của Vũ Lê Chuyên có 120 trường hợp hẹp khúc nối được nhập viện điều trị trong 8 năm (1985-1993) [5] thì chỉ trong 5 năm (1995 – 1999) đã có 400 trường hợp được chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện Bình Dân [7]. Tại khoa Niệu bệnh viện Bình Dân, chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật nội soi ổ bụng từ tháng 8/2002 và từ tháng 12/2003 chúng tôi đã thực hiện một số trường hợp phẫu thuật nội soi sau phúc mạc tạo hình khúc nối niệu quản – bể thận cho kết quả khả quan [8]. Nhiều cơ sở y tế lớn trong nước cũng đã thực hiện phẫu thuật này, đa số tạo hình kiểu cắt rời qua nội soi sau phúc mạc. Tuy nhiên số lượng các nghiên cứu về phẫu thuật nội soi sau phúc mạc tạo hình khúc nối ở nước ta hiện nay còn hạn chế, và các tác giả cũng chỉ ghi nhận kết quả phẫu thuật trong hậu phẫu gần [8], [17]. Một vài nghiên cứu gần đây có số lượng bệnh nhân tương đối lớn và thời gian theo dõi dài hơn nhưng lại được thực hiện qua nội soi trong phúc mạc [3], [4]. Như vậy hiện nay, việc ứng dụng phẫu thuật nội soi sau phúc mạc tạo hình khúc nối kiểu cắt rời vào thực tế điều trị bệnh lý khúc nối ở nước ta, cũng như việc đánh giá tính an toàn và hiệu quả của phẫu thuật này vẫn còn là vấn đề được đặt ra cho các nhà Niệu khoa. Đó cũng là các tiền đề để chúng tôi tiến hành nghiên cứu này.
MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
1. Nghiên cứu ứng dụng các chỉ định của phẫu thuật nội soi sau phúc mạc tạo hình khúc nối niệu quản – bể thận kiểu cắt rời trong điều kiện hiện nay của nước ta.
2. Đánh giá kết quả điều trị của phẫu thuật nội soi sau phúc mạc tạo hình khúc nối niệu quản – bể thận kiểu cắt rời