LA03.075_Cơ sở khoa học và thực tiễn định giá nước tưới Ứng dụng tại một số hệ thống thủy lợi thuộc hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình
Chuyên ngành: Quản lý kinh tế (Phân bổ lực lượng sản xuất và phân vùng kinh tế)
Mã số: 62340410
Nghiên cứu sinh: Bùi Thị Thu Hòa Mã NCS: NCS34.112PB
Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh; PGS.TS. Nguyễn Văn Chân
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Những đóng góp mới của luận án về mặt lý luận và thực tiễn
Luận án là công trình đầu tiên sử dụng tiếp cận cân bằng cục bộ (PE), cân bằng tổng quát (GE), tối ưu hóa để xây dựng mô hình định giá nước tưới, ứng dụng tại một số hệ thống thủy lợi thuộc lưu vực sông Hồng – Thái Bình, bằng phương pháp định giá tốt nhất thứ nhất (định giá chi phí cận biên) và tốt nhất thứ nhì (định giá Ramsey).
Nghiên cứu đã chứng minh định giá tốt nhất thứ nhất khó đạt được hiệu quả so với định giá tốt nhất thứ nhì bởi tính chất độc quyền của ngành nước. Ngoài ra, luận án cũng nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng đối với nước tưới thông qua ý muốn sẵn sàng chi trả (WTP), nhận thấy rằng năng suất (vụ Xuân) và diện tích tác động tích cực đến WTP.
Bằng công cụ lập trình tối ưu LINGO, luận án đã kết hợp đồng thời mô hình kinh tế và kỹ thuật, để mô phỏng bài toán định giá tại hai hệ thống tưới tự chảy và động lực thuộc lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình bằng các phương pháp định giá tốt nhất thứ nhất và thứ nhì. Theo đó, định giá Ramsey luôn đạt hiệu quả kinh tế hơn so với định giá chi phí cận biên. Các mức giá nước ở hệ thống tưới động lực luôn cao hơn so với hệ thống trọng lực. Nghiên cứu cũng đã mô phỏng mối quan hệ giữa giá và lượng nước phân bổ trong ngắn và dài hạn. Kết quả cho thấy mối quan hệ giá và lượng nước phân bổ đều tuân theo quy luật kinh tế. Ngoài các kết quả mô phỏng định giá nói trên, nghiên cứu cũng tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng tích cực đến WTP của người dân đối với nước thực tế, đó là năng suất (vụ Xuân) và diện tích trồng.
Những đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu
Từ kết quả nghiên cứu, luận án đề xuất khả năng thực hành định giá tài nguyên nước trong thực tiễn: (1) Tăng cường sử dụng đồng thời các tiếp cận, công cụ kinh tế – kỹ thuật trong việc mô hình hóa bài toán quản lý tài nguyên nước ở các cấp quản lý, bởi đây là thông tin có cơ sở khoa học và đáng tin cậy. Do đó, cần tăng cường sự liên kết, tham gia của các Bộ ngành có liên quan nhằm đào tạo và nâng cao kỹ năng, năng lực đội ngũ quản lý ngành nước. (2) Hoàn thiện, cải cách thể chế, kết hợp với nghiên cứu cấu trúc thị trường, đặc biệt phân tích vấn đề độc quyền trong ngành nước nhằm nâng cao khả năng ứng dụng định giá thực hành. (3) Tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về giá trị, cách sử dụng, cũng như chủ trương tính giá để quản lý và bảo vệ tài nguyên nước hiệu quả và bền vững.