LA17.052_Cơ sở khoa học của dự báo nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng, đại học ở Việt Nam
1. Lý do chọn đề tài
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có quan điểm chỉ đạo: “Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan. Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng”. Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam giai đoạn
2006-2020 cũng có quan điểm chỉ đạo: “Gắn kết chặt chẽ đổi mới giáo dục đại học với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội,… nhu cầu nhân lực trình độ cao của đất nước và xu thế của khoa học và công nghệ”. Ưu tiên đào tạo nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chiến lược phát triển giáo dục nước ta trong hiện tại và tương lai.
Với xu thế toàn cầu hoá và cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, đặc biệt Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), để có thể cạnh tranh có hiệu quả, giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu, đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực về số lượng, cơ cấu và chất lượng, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ và nhu cầu của phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, giáo dục cũng phải góp phần giữ gìn bản sắc của mỗi dân tộc trong quá trình hội nhập và phát triển. Thực tiễn cho thấy giáo dục chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đánh giá sự phát triển của một quốc gia. Một nền kinh tế có tốc độ phát triển cao hôm nay có thể sụp đổ ngày mai, nhưng một nền giáo dục bền vững sẽ đảm bảo khả năng cạnh tranh của một quốc gia trong 50 năm hoặc thậm chí là 100 năm tới. Bác Hồ cũng đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Ngân hàng Thế giới cũng đã đưa ra báo cáo xếp loại sự giàu có của một quốc gia, theo đó tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không còn là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá, mà dành tầm quan trọng cho các yếu tố tài nguyên thiên nhiên, chất lượng môi trường, giáo dục và tính cơ động của xã hội.
Giáo dục vừa được hưởng lợi từ phát triển kinh tế, vừa là nhân tố chính nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là điều kiện, tiền đề cho phát triển kinh tế. Giáo dục đóng góp vào việc tạo ra nguồn lao động có thái độ và kỷ luật lao động, có kiến thức và kỹ năng, có sức khoẻ – nhân tố quyết định tăng năng suất lao động. Năng suất lao động tăng sẽ đóng góp chủ yếu vào việc tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập của người dân; đưa giáo dục đến với người nghèo và có thể coi đây là biện pháp hiệu quả nhằm tăng thêm việc làm để nâng cao đóng góp của họ vào tổng thu nhập. Giáo dục là con đường chủ đạo sản sinh khoa học, những thành tựu của khoa học xác định trình độ và tính chất của sản xuất, còn hệ thống giáo dục xác định trình độ phát triển của khoa học thời kỳ tiếp theo. Ở Việt Nam nói riêng và các nước nói chung, số người có nhu cầu học ở đại học không ngừng gia tăng. Sự gia tăng này không chỉ do sự gia tăng tự nhiên và cơ học của dân số ở mỗi quốc gia mà còn thể hiện nhu cầu được hiểu biết, được tiếp cận những kiến thức, kỹ năng mang lại thu nhập tốt hơn trong thời đại nền kinh tế tri thức đang ngày càng chiếm lĩnh ưu thế. Đối tượng người học cũng ngày càng đa dạng. Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học cũng phát triển nhanh nhưng vẫn chưa phù hợp với nhu cầu xã hội. Quy mô nhân lực có trình độ CĐ, ĐH có chiều hướng gia tăng nhưng cung và cầu vẫn còn chưa gặp nhau, các doanh nghiệp vẫn phải đi tìm người, trong khi đó số SV ra trường nhưng chưa có việc làm phù hợp với chuyên môn cũng còn tương đối nhiều. Điều này đòi hỏi cần có những dự báo đảm bảo tính khoa học về nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng, đại học để các trường có căn cứ xác định cơ cấu đào tạo của mình.
Các đề tài, nghiên cứu về dự báo nói chung, dự báo giáo dục và dự báo nhân lực cũng đã được thực hiện không ít. Tuy nhiên, những nghiên cứu riêng về dự báo nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) còn chưa được thể hiện rõ nét, gần đây mới chỉ tập trung vào thử nghiệm một số mô hình dự báo cầu nhân lực có trình độ CĐ, ĐH. Những khó khăn về cơ sở dữ liệu khi áp dụng các mô hình dự báo trong điều kiện Việt Nam hiện nay đã được đề cập, song các phương án thay thế giữa các biến hoặc hoàn thiện cơ sở dữ liệu cũng cần tiếp tục đề xuất có sức thuyết phục mạnh hơn. Trong các nghiên cứu đã thực hiện, cơ sở khoa học để hình thành dự báo nhu cầu nhân lực trình độ đại học, cao đẳng chưa được giải quyết triệt để và những khó khăn khi áp dụng các mô hình dự báo trong điều kiện Việt Nam hiện nay chưa được xác định rõ ràng. Điều này đang đòi hỏi phải hệ thống hóa, bổ sung cả về lý luận và thực tiễn nhằm tăng sức thuyết phục, độ tin cậy của các mô hình
dự báo nhu cầu nhân lực có trình độ CĐ, ĐH. Chính vì các lý do cơ bản trên, việc lựa chọn nghiên cứu “Cơ sở khoa học của dự báo nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng, đại học ở Việt Nam” là đúng đắn và đáp ứng yêu cầu cấp thiết của hoạt động quản lý giáo dục hiện nay