LA02.154_Cơ cấu nguồn vốn của các doanh nghiệp niêm yết trong ngành dược phẩm ở Việt Nam
2. Mục đích nghiên cứu của đề tài
Mục đích của đề tài là nghiên cứu sâu hơn nữa các vấn đề về cơ cấu nguồn vốn, hướng tới hoạch định cơ cấu nguồn vốn mục tiêu cho các doanh nghiệp niêm yết trong ngành dược phẩm ở Việt Nam, sao cho phù hợp với đặc điểm của ngành trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể như sau:
– Thứ nhất, hệ thống hoá những vấn đề lý luận về cơ cấu nguồn vốn, các lý thuyết về cơ cấu nguồn vốn… để làm cơ sở cho việc hoạch định cơ cấu nguồn vốn mục tiêu. Làm rõ tác động của cơ cấu nguồn vốn tới chi phí sử dụng vốn, rủi ro tài chính và khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
– Thứ hai, đánh giá thực trạng cơ cấu nguồn vốn của các doanh nghiệp niêm yết trong ngành dược, phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn vốn cũng như tác động ngược lại của cơ cấu nguồn vốn tới hoạt động của doanh nghiệp, qua đó thấy được những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế của cơ cấu nguồn vốn trong các mẫu quan sát.
– Thứ ba, trên cơ sở thực trạng về cơ cấu nguồn vốn của các doanh nghiệp niêm yết trong ngành dược phẩm ở Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn, đảm bảo tính cân đối giữa các nguồn vốn, phù hợp với đặc điểm riêng của doanh nghiệp trong từng thời kỳ nhất định. Đồng thời đề xuất với Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện các giải pháp đó hiệu quả.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
– Đối tượng nghiên cứu của đề tài là những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến cơ cấu nguồn vốn, tác động của cơ cấu nguồn vốn tới hoạt động của doanh nghiệp, những căn cứ để xây dựng cơ cấu nguồn vốn tối ưu cho các doanh nghiệp niêm yết trong ngành dược phẩm ở Việt Nam.
– Phạm vi nghiên cứu của đề tài là thực trạng cơ cấu nguồn vốn của 13 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dược niêm yết 5 năm liên tiếp từ năm 2009 đến năm 2013 trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam, và các giải pháp chủ yếu để hoạch định cơ cấu nguồn vốn tối ưu cho các doanh nghiệp niêm yết trong ngành dược.
4. Phương pháp nghiên cứu của đề tài
Đề tài nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp sau đây: Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết để tìm hiểu về đối tượng và liên kết thông tin đã được phân tích nhằm tạo ra một hệ thống lý thuyết mới đầy đủ hơn; Phương pháp phân loại và hệ thống hóa lý thuyết để sắp xếp tri thức thành một hệ thống dựa trên các căn cứ nhất định; Phương pháp mô hình hóa để tái hiện lại đối tượng theo cơ cấu, chức năng qua mô hình; Phương pháp điều tra để phát hiện đặc điểm và quy luật hoạt động của đối tượng; Phương pháp phân tích tổng kết kinh nghiệm để rút ra kết luận bổ ích cho thực tiễn và khoa học; Phương pháp chuyên gia để xem xét bản chất của đối tượng, tìm ra những giải pháp tối ưu; Phương pháp phân tích Dupont trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng để so sánh, đối chiếu và thấy rõ mối quan hệ giữa các nhân tố cần phân tích nhằm đạt được mục tiêu nghiên cứu của đề tài.
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
– Về mặt khoa học, đề tài tập trung nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống những vấn đề lý luận về cơ cấu nguồn vốn, bao gồm: các lý thuyết về cơ cấu nguồn vốn; các nhân tố ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn vốn; tác động của cơ cấu nguồn vốn tới hoạt động của doanh nghiệp.
– Về mặt thực tiễn, đề tài đánh giá thực trạng cơ cấu nguồn vốn ảnh hưởng như nào đến hoạt động của doanh nghiệp, chỉ ra ưu điểm cũng như những hạn chế của cơ cấu nguồn vốn hiện tại, từ đó vận dụng lý luận và thực tế để đưa ra các giải pháp xây dựng cơ cấu nguồn vốn tối ưu cho các doanh nghiệp, sao cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả cao nhất.