LA02.059_Chính sách thuế với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam
1. Lý do lựa chọn đề tài
Trong thời gian qua, nền kinh tế nước ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao (trung bình 6,12% năm giai đoạn 2005-2014). Sự tăng trưởng GDP này mới là biểu hiện bên ngoài, liệu sự tăng trưởng này đã xứng với tiềm năng của đất nước hay không? Đến hết năm 2014 nợ công của Việt Nam đã tăng hơn 8 lần so với thời điểm kết thúc năm tài chính 2005, tổng số tiền thu được từ thuế vào NSNN chỉ tăng hơn 4 lần. Thuế có vai trò rất quan trọng đối với Nhà nước vì nó là nguồn thu chủ yếu của NSNN. Câu hỏi đặt ra là để nền kinh tế phát triển bền vững thì cần tác động của chính sách thuế như thế nào và ngược lại khi kinh tế phát triển bền vững sẽ không những giúp cho các chủ thể trong nền kinh tế SXKD đạt hiệu quả và tích lũy được nhiều tài sản hơn mà cũng sẽ giúp cho nguồn thu từ thuế vào NSNN sẽ tăng lên.
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn đất nước trong thời gian vừa qua động lực của tăng trưởng GDP có sự đóng góp không nhỏ của việc vay nợ. Rất nhiều bài học của các quốc gia trên thế giới bị mất khả năng thanh toán, vỡ nợ như Ac-hen-ti-na, Ai-xơ-len, Hy lạp… mà có nguyên nhân trực tiếp là vay nợ nhiều, nguồn thu từ thuế lại không tương xứng với tốc độ tăng của nợ công và bội chi NSNN ở mức cao trong thời gian dài. Từ các vấn đề trong quá khứ và hiện tại của thế giới cũng như xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam, nghiên cứu sinh đã lựa chọn để tài “Chính sách thuế với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam”.
2. Phạm vi nghiên cứu của Luận án
Về tổng thể, phạm vi nghiên cứu của Luận án sẽ giải quyết các câu hỏi liên quan đến đề tài nghiên cứu đề cập trong nội dung các câu hỏi nghiên cứu đã đặt ra trong phần tổng quan nghiên cứu của Luận án. Luận án sẽ nghiên cứu thực trạng nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2005-2014 để xem xét rằng trong thời gian vừa qua kinh tế Việt Nam đã thực sự phát triển bền vững hay chưa? Từ đó tìm ra các tiềm năng nội tại trong nền kinh tế nhằm đưa ra các giải pháp giúp kinh tế nước ta phát triển bền vững trong tương lai.
Thông qua việc nghiên cứu thực trạng của nền kinh tế và số tiền thu thuế trong thời gian qua, Luận án sẽ rút ra được các kết luận về tác động của chính sách thuế đối với nền kinh tế. Nghiên cứu mối quan hệ giữa cơ cấu vốn đầu tư phát triển của các khu vực kinh tế với tăng trưởng GDP, tăng trưởng về thuế từ đó rút ra mối quan hệ tương quan giữa tăng trưởng GDP và tăng trưởng về số tiền thu được từ thuế, từ đó đưa ra giải pháp tái cấu trúc nguồn thu cho NSNN, giúp kinh tế Việt Nam tiến tới mục tiêu phát triển bền vững.
Luận án rà soát tất cả các chính sách thuế, từ đó tìm ra được những tác động mang tính tổng thể của chính sách thuế đối với sự phát triển kinh tế trên cơ sở đó cũng đánh giá được tác động cụ thể của các sắc thuế đối với nền kinh tế và đưa ra các các nhóm giả pháp mang tính tổng quát và nhóm giải pháp cụ thế đối với từng sắc thuế nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
3. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng phương pháp duy vật biện chứng, phương pháp thống kê, phân tích, so sánh vẽ các biểu đồ, đồ thị để đưa ra các luận giải khoa học trong nội dung của Luận án.
4. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của Luận án bao gồm các vấn đề:
– Nghiên cứu lý luận về phát triển kinh tế bền vững, nội hàm của phát triển kinh tế bền vững, những điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế bền vững.
– Nghiên cứu những nội dung chủ yếu của chính sách thuế, các yếu tốt chi phối đến chính sách thuế và tác động của chính sách thuế đối với phát triển kinh tế bền vững, nghiên cứu tác động của chính sách thuế đến quá trình sản xuất và tiêu dùng.
– Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới về thuế thu nhập doanh nghiệp, thế thu nhập cá nhân từ đó rút ra bài học đối với Việt Nam.
– Nghiên cứu về mức độ bền vững trong phát triển kinh tế nước ta trong khoảng thời gian 10 năm từ 2005-2014.
– Nghiên cứu về tác động tổng thể của chính sách thuế đối với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam thời gian qua.
– Nghiên cứu về tác động cụ thể của từng sắc thuế đối với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam thời gian qua.
– Nghiên cứu mối quan hệ giữa các nhân tố tăng trưởng về GDP, tăng trưởng về thuế, cấu trúc thu NSNN, tăng trưởng nợ công và bội chi NSNN.
Nghiên cứu cấu trúc của nền kinh tế hiện tại ở nước ta và so sánh với các nước có điểm xuất phát tương tự Việt Nam trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để tìm ra nguyên nhân của những hạn chế gây nên sự phát triển chưa thật sự bền vững ở Việt Nam, từ đó rút ra những giải pháp đưa nền kinh tế nước ta phát triển bền vững