LA34.013_Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 – 2010)
1. Lý do chọn đề tài
Từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, trật tự hai cực Yalta bị phá vỡ, hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) thế giới sụp đổ, bàn cờ chính trị quốc tế được tái sắp xếp với những thay đổi hết sức căn bản. Một trật tự thế giới mới từng bước hình thành theo xu hướng “đa cực” cho thấy ý thức cân bằng quyền lực của các nước lớn trong sự đối trọng với Mỹ – siêu cường duy nhất của thế giới sau khi Liên Xô tan rã (1991). Trong bối cảnh mới, các nước đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại, cùng tồn tại hòa bình, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh và phát triển. Ở góc độ song phương, nhiều mối quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược đã được thiết lập. Cùng với những diễn biến đa chiều của đời sống an ninh, chính trị thế giới, sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ cũng tác động rất lớn đến hệ thống quan hệ quốc tế toàn cầu. Những thành tựu từ cuộc cách mạng này đã góp phần khai sinh nền kinh tế tri thức và mở đường cho quá trình toàn cầu hóa, trước hết là toàn cầu hóa kinh tế khu vực và thế giới.
Những đặc điểm nói trên đòi hỏi mỗi nước phải nhanh chóng điều chỉnh chính sách đối ngoại một cách phù hợp để chủ động hội nhập sâu rộng và hiệu quả vào đời sống quốc tế, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển quốc gia – dân tộc. Từ trong bối cảnh ấy, hoạt động liên minh, liên kết khu vực và quốc tế đã ra đời, nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia. Trường hợp liên kết khu vực Đông Bắc Á cũng xuất phát từ yêu cầu cấp thiết nói trên. Ngày nay, Đông Bắc Á đã và đang trở thành một trong những khu vực phát triển nhất của thế giới và được coi là đầu tàu tăng trưởng của châu Á – Thái Bình Dương. Ba nền kinh tế lớn trong khu vực là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc luôn có tầm ảnh hưởng và sức chi phối nhất định đến quá trình phát triển cũng như xu thế hợp tác ở Đông Bắc Á. Nhật Bản luôn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hàn Quốc, nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên, phối hợp với Mỹ và Hàn Quốc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Dù vậy, Nhật Bản vẫn chưa thể thoát khỏi hố sâu của suy thoái kinh tế đầu thế kỷ XXI, vai trò dẫn dắt nền kinh tế khu vực càng trở nên khó khăn. Đối với Trung Quốc, quốc gia này chủ trương tạo lập môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực Đông Bắc Á nhằm xây dựng một “không gian sinh tồn” và phát triển bền vững. Thế nhưng, sự trỗi dậy gần đây của Trung Quốc với những toan tính chính trị phức tạp đã gây quan ngại trong quan hệ hợp tác khu vực. Vị trí trụ cột trong hợp tác Đông Bắc Á của Trung Quốc, vì thế, cũng chưa thực sự vững chắc. Trong khi đó, Hàn Quốc đang từng bước vươn lên trở thành một đối tác chiến lược, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác của cả khu vực Đông Bắc Á. Với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, Hàn Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới và là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) của các nước phát triển ngay từ năm 1996. Sau Chiến tranh lạnh, Hàn Quốc đã tích cực điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng ưu tiên hợp tác với các nước Đông Bắc Á và thu được nhiều thành tựu quan trọng trong quan hệ khu vực cùng với sự gia tăng uy tín trên trường quốc tế. Nỗ lực và những kết quả bước đầu của Hàn Quốc đã cho thấy vị trí và vai trò của quốc gia này trong tiến trình hợp tác khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế so sánh và thành công, Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với không ít trở ngại và thách thức.
Cho đến tận thế kỷ XXI, Đông Bắc Á vẫn là “vùng trũng an ninh” số một của Hàn Quốc. Để sinh tồn, phát triển và trở thành lực lượng lãnh đạo khu vực, Hàn Quốc buộc phải duy trì lợi ích quốc gia với Nhật Bản, Trung Quốc và đảm bảo lợi ích dân tộc với CHDCND Triều Tiên. Trong quá trình này, việc vượt qua hàng loạt rào cản (ý thức hệ, bất đồng lịch sử, ký ức chiến tranh) sẽ là bước khởi đầu trên con đường tạo dựng quan hệ song phương và đa phương ở khu vực. Tuy nhiên, trong thực tế, bước đi đầu tiên này của ngoại giao Hàn Quốc lại chưa thể vượt qua cánh cửa của “chủ nghĩa dân tộc”. Sự chi phối của ký ức thời chiến và vai trò liên minh quân sự với Mỹ vẫn còn khá đậm nét trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với nhiệm vụ thống nhất đất nước và thống nhất khu vực của quốc gia. Nghiên cứu về chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á, vì lẽ đó, sẽ là điều cần thiết cho việc nhận diện các mối quan hệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập. Đối với Việt Nam, Hàn Quốc từ chỗ là đối tác toàn diện (2001) đã trở thành đối tác chiến lược (2009), do đó, nghiên cứu về Hàn Quốc lại càng có ý nghĩa to lớn cả về mặt khoa học và thực tiễn. Với những lý do nói trên, chúng tôi quyết định lựa chọn vấn đề “Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 – 2010)” làm đề tài luận án tiến sĩ thuộc chuyên ngành: Lịch sử thế giới, mã số 62.22.03.11 nhằm góp phần vào quá trình nghiên cứu quan hệ quốc tế ở Đông Bắc Á nói chung và chính sách của Hàn Quốc đối với các nước trong khu vực này nói riêng