ThS32.010_Chính sách của các nhà nước quân chủ việt nam đối với tỉnh thái nguyên (Từ thế kỉ XI đến nửa đầu thế kỉ XIX)
Đất nước ta có truyền thống lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước lâu đời, lãnh thổ lại chia thành nhiều địa hình khác nhau như: miền núi, trung du và đồng bằng ven biển. giữa các vùng, miền từ Bắc và Nam lại có sự khác nhau về thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng và cũng do đó dẫn đến sự khác nhau về phong tục tập quán, lối sống. Do điều kiện tự nhiên, xã hội và con người ở mỗi vùng miền có những điểm khác nhau nên trong mỗi giai đoạn lịch sử đòi hỏi nhà nước phải có chính sách thích hợp với từng vùng lãnh thổ, chính sách đoàn kết các dân tộc phù hợp mới đảm bảo giữ gìn nền độc lập và thống nhất lãnh thổ.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ khi giành được quyền độc lập tự chủ, các nhà nước quân chủ Việt Nam đã có chính sách quan tâm đến những vùng dân tộc khác nhau, đặc biệt là những vùng biên cương của tổ quốc. Ở những mức độ khác nhau các triều đại đều có những chính sách đối với các vùng, các dân tộc, nhằm duy trì và khẳng định quyền lực của nhà nước đối với các dân tộc, hướng tới mục đích củng cố và tăng cường nền thống nhất quốc gia. Trong các tỉnh nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, Thái Nguyên là vùng đất đã và đang giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc. Là trung tâm chiến lược phía Bắc sông Hồng, nên trong lịch sử Thái Nguyên thường xuyên phải đối mặt với các thế lực ngoại bang và cả các thế lực phản nghịch trong nước. Từ xa xưa ông cha ta đã coi Thái Nguyên là “phên dậu” phía Bắc của Kinh thành Thăng Long – Đông Đô, là điểm xuất phát triển khai lực lượng chống giặc ngoại xâm ở vùng biên giới phía Bắc. Nơi đây nhiều lần được chọn làm “thủ đô kháng chiến” trong các cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, có địa thế hiểm yếu với núi cao, rừng rậm, sông sâu suối dài, thực sự có vai trò chiến lược về nhiều mặt kinh tế, chính t rị, quốc phòng. Thái Nguyên, vùng đất đã ghi dấu ấn lịch sử với nhiều trận đánh, nhiều chiến công được lưu danh; trong quá trình dựng nước và giữ nước, các nhà nước quân chủ Việt Nam đã có ý thức quan tâm, bảo vệ vùng đất này bằng những chính sách, biện pháp khác nhau.
Việc nghiên cứu về những chính sách của các nhà nước quân chủ Việt Nam đối với tỉnh miền núi như Thái Nguyên còn có ý nghĩa thực tiễn nhằm chắt lọc và vận dụng những kinh nghiệm quí báu của cha ông ta trong công cuộc quản lý, xây dựng đất nước và củng cố quốc phòng ở nước ta ngày nay. Bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Thái Nguyên, hiện nay làm giáo viên ở Thái Nguyên nên rất mong muốn tìm hiểu về lịch sử của địa phương mình ở thời trung đại, nhằm phục vụ công tác giảng dạy, nghiê n cứu của mình.
Với những lý do trên, tôi mạnh dạn chọn đề tài: “Chính sách của các nhà nước quân chủ Việt Nam đối với tỉnh Thái Nguyên (từ thế kỉ XI đến nửa đầu thế kỉ XIX)” làm đề tài luận văn thạc sỹ của mình