LA02.236_Chỉ số quản trị công ty và hiệu quả tài chính công ty trên thị trường chứng khoán Việt Nam
1.3 Mục tiêu nghiên cứu
1.3.1 Mục tiêu chung
Mục tiêu nghiên cứu chính của đề tài là xem xét mối quan hệ giữa thực hành quản trị công ty và hiệu quả tài chính; đồng thời đề tài tiến hành điều tra ảnh hưởng của yếu tố công khai – minh bạch thông tin đến hiệu quả tài chính của các công ty niêm yết trên HOSE giai đoạn 2013-2015.
1.3.2 Mục tiêu cụ thể
Để đạt được mục tiêu chung trên, đề tài tiến hành thực hiện 3 mục tiêu cụ thể sau:
– Mục tiêu 1: Đánh giá mức độ tác động của chỉ số CGI tổng/thành phần đến hiệu quả tài chính của công ty.
– Mục tiêu 2: Ảnh hưởng của công khai minh bạch thông tin đến hiệu quả tài chính công ty.
– Mục tiêu 3: Tác động sự thay đổi của điểm thực hành quản trị công ty tổng/thành phần hiện tại đến sự thay đổi của hiệu quả tài chính công ty trong tương lai.
Mức độ thực hành quản trị công ty có thể được cải thiện hoặc suy thoái theo thời gian, vì thếmục tiêu này nhằm tập trung vào mối quan hệ giữa sự thay đổi về chất lượng thực hành quản trị công ty và tiếp theo đó là ảnh hưởng đến hiệu quả thị trường của sự thay đổi này để thấy có phải thực hành quản trị công ty tốt có thể dự báo hiệu quả tương lai.
Ở đây, công khai minh bạch là một trong các nguyên tắc của thực hành quản trị công ty, do đó mục tiêu 3 được xem xét trong đề tài là trường hợp nghiên cứu điển hình về thực trạng quản trị công ty trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Vì vấn đề hiện nay rất được quan tâm không chỉ bởi cổ đông mà còn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, là việc công bố minh bạch thông tin của các công ty niêm yết. Việc công bố thông tin của các công ty niêm yết được thực hiện theo Luật chứng khoán và Thông tư số 52/2012/TTBTC ngày 5 tháng 4 năm 2012 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc trình bày và công bố thông tin của các công ty niêm yết hiện nay tồn tại một số bất cập làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến tính minh bạch, công khai và sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam như trường hợp của Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) báo cáo lãi bất ngờ chuyển thành lỗ sau kiểm toán; hay Công ty Cổ phần Ntaco (ATA) tăng từ 2.000 đồng/cổ phiếu lên cao nhất 7.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng 1 tháng và sau đó cổ phiếu này cũng rơi từ 7.000 đồng/cổ phiếu về 2.400 đồng/cổ phiếu từ tháng 6 đến tháng 8/2016.
Do đó, mục tiêu chính của nghiên cứu thực nghiệm này là để xem xét có phải chỉ số QTCT cao dẫn đến hiệu quả công ty tốt hơn. Đề tài sẽ tiến hành chấm điểm các chỉ sốthực hành QTCT khác nhau gồm 5 khoản mục là: (i) Quyền của cổ đông; (ii) Đối xử bình đẳng đối với cổ đông; (iii) Vai trò của các bên liên quan; (iv) Công bố thông tin và minh bạch, và (v) Trách nhiệm của HĐQT cho từng công ty niêm yết trên HOSE. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng sẽ xem xét tác động của từng chỉ số QTCT đến hiệu quả công ty.
1.4 Câu hỏi nghiên cứu
Đề tài có các câu hỏi nghiên cứu như sau:
+ Câu hỏi 1: Thực hành QTCT tốt có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả tài chính của các công ty niêm yết?
Nhiều người tranh luận rằng những nỗ lực và các chi phí liên quan đến việc áp dụng quản trị công ty tốt là khá cao. Bên cạnh đó, việc thiết lập thể chế đặc trưng ở Việt Nam có thể cản trở những lợi ích của quản trị công ty. Do đó, điều quan trọng là phải biết có phải những lợi ích đạt được từ việc thực hiện thông lệ quản trị công ty tốt lớn hơn đáng kể so với chi phí liên quan trong một thị trường mới nổi như Việt Nam.
+ Câu hỏi 2: Công bố và minh bạch thông tin được quan tâm có giúp công ty cải thiện và nâng cao hiệu quả tài chính không?
Có rất nhiều nhận định rằng muốn phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh và bền vững, một trong những vấn đề cần quan tâm là minh bạch hóa thông tin và tính cập nhật, đầy đủ của thông tin để các cổ đông và nhà đầu tư trong và ngoài nước có quyết định đúng đắn khi thực hiện việc đầu tư và nắm giữ cổ phiếu của công ty. Tuy nhiên, có ít nghiên cứu thực nghiệm kiểm chứng về mối quan hệ giữa thực hành công bố minh bạch và hiệu quả tài chính của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam trong trường hợp có sự tham gia sở hữu nước ngoài, cũng như những lý giải về các động cơ công bố minh bạch thông tin của các nhà quản trị.
+ Câu hỏi 3: Ảnh hưởng của những thay đổi tích cực về thực hành QTCT hiện tại có quan hệ như thế nào đến hiệu quả tài chính của công ty trong tương lai?
Có nhiều ý kiến cho rằng những chi phí bỏ ra để thực hiện QTCT có thể lớn hơn lợi ích mà các công ty niêm yết nhận được tại năm đó, nhưng các công ty cũng kỳ vọng rằng những thay đổi về thực hành QTCT tốt hiện tại giúp họ có thể nhận được lợi ích nhiều hơn trong tương lai.
1.5 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
1.5.1 Đối tượng
Đối tượng của nghiên cứu này là các công ty cổ phần được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) giai đoạn 2013-2015. Đề tài chỉ chọn các công ty trên HOSE vì tỷ lệ vốn hóa thị trường chiếm khoảng 75% tổng giá trị vốn hóa trên TTCK Việt Nam
1.5.2 Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi về không gian: Đề tài sẽ được tiến hành chấm điểm về tình hình thực hành quản trị công ty của các công ty niêm yết trên HOSE trong 3 năm 2013 đến 2015 (trừ các công ty mới niêm yết hoặc bị hủy, hoặc sáp nhập).
Phạm vi về thời gian:
– Chấm điểm thủ công về thực hành QTCT của các công ty niêm yết được thực hiện từ năm 2013 đến 2015.
– Số liệu tài chính của các công ty được thu thập từ các báo cáo tài chính đã được kiểm toán để xác định tỷ lệ nợ, quy mô công ty, Tobin’s Q,…, từ năm 2011 đến 2016.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tháng 9/2017 thì giá trị vốn hóa trên HOSE 2,06 triệu tỷ đồng, HNX 196 nghìn tỷ đồng và UPCoM 500 nghìn tỷ đồng.
Phạm vi về nội dung:
Mối quan hệ giữa QTCT và HQTC là quan hệ nhân quả như theo nghiên cứu của Bhagat & Bolton (2008). Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay trước áp lực nhu cầu hội nhập và cần minh bạch thông tin của các công ty niêm yết theo yêu cầu của các nhà đầu tư cũng như các bên liên quan như đã thảo luận trên, do đó phạm vi nội dung của nghiên cứu này chỉ tập trung điều tra một chiều về ảnh hưởng của chất lượng của thực hành về QTCT đến HQTC. Ngoài ra, đề tài cũng tiến hành xem xét mối quan hệ một chiều thông qua phương pháp so sánh với độ trễ về mối quan hệ giữa chất lượng thực hành QTCT ở năm t và HQTC ở năm t+1 và t+2 để không xảy ra tác động ngược lại.
1.8 Cấu trúc luận án
Chương 1: Giới thiệu về lý do chọn đề tài và bối cảnh nghiên cứu, đề xuất các mục tiêu nghiên cứu, động cơ nghiên cứu và những đóng góp của luận án.
Chương 2: Trình bày lược khảo tổng quan về các lý thuyết liên quan và các nghiên cứu thực nghiệm về QTCT ở thị trường phát triển cũng như mới nổi. Từ đó, xây dựng khung đa lý thuyết nghiên cứu của đề tài, sau đó đề tài sẽ sử dụng khung lý thuyết, các kết quả nghiên cứu trước và bối cảnh nghiên cứu để phát triển giả thuyết nghiên cứu.
Chương 3: trình bày dữ liệu và phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đềtài. Ở đây, chúng tôi trình bày phương pháp thu thập dữ liệu bằng tay và các bước tiến hành chấm điểm chỉ số QTCT. Bên cạnh đó, đề tài mô tả các biến được sử dụng trong mô hình hồi quy và dấu kỳ vọng của biến, cùng với phương pháp chọn mô hình hồi quy phù hợp, kiểm tra và xử lý nội sinh đối với biến nội sinh trong mô hình để tăng tính vững. Các phương pháp này được chúng tôi sử dụng trong nghiên cứu thực nghiệm ở chương 4.
Chương 4: Trình bày dữ liệu nghiên cứu và thảo luận kết quả đạt được từ phân tích định lượng. Ở đây, thống kê mô tả sẽ so sánh mức độ tuân thủ của thực hành QTCT ở Việt Nam ở các giai đoạn khác nhau. Sự tương quan sẽ đo lường độ mạnh của mối quan hệ và sự phân tích các biến sẽ kiểm tra các giả thuyết trong nghiên cứu và giải thích sự tác động lẫn nhau giữa các biến QTCT và các biến hiệu quả tài chính; cũng như nghiên cứu riêng về quan hệ giữa chỉ số công khai minh bạch với hiệu quả tài chính, và đây được xem như là một tình huống đặc trưng của chỉ số QTCT. Cuối cùng, có sự thảo luận về kết quả đạt được so với giả thuyết nghiên cứu cũng như với các nghiên cứu trước sau khi đã sử dụng các kỹ thuật thống kê để tăng độ tin cậy, từ đó, đưa ra nhận định về thực hành QTCT đối với thị trường Việt Nam.
Chương 5: Kết luận và đề xuất. Trong chương này chúng tôi tóm tắt các kết quả đạt được và đưa ra các khuyến nghị liên quan đối với các bên liên quan cũng như các nhà làm chính sách. Ngoài ra, những hạn chế nghiên cứu và các đề nghị cho hướng nghiên cứu mới sẽ được đề cập trong nội dung chương.