LA34.014_Căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Trong các cuộc khởi nghĩa, chiến tranh hay vận động cách mạng, vấn đề căn cứ địa – hậu phương trở thành vấn đề mang tính quy luật, đồng thời là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của cuộc chiến tranh, khởi nghĩa hay các cuộc cách mạng. Tiến trình lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc Việt Nam đã khẳng định điều này. Kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, trên cơ sở quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin về khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng vào nước ta, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức chú trọng vấn đề xây dựng căn cứ địa, đây là một trong những nhân tố tạo nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi một phần là nhờ có Căn cứ địa Bắc Sơn – Vũ Nhai, Căn cứ địa Cao Bằng, Khu giải phóng Việt Bắc và hàng chục chiến khu trong cả nước. Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương
Đảng chọn và xây dựng Căn cứ địa Việt Bắc trở thành trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến. Nhiều vùng tự do, căn cứ địa – hậu phương đã được xây dựng trên khắp cả nước: Thanh – Nghệ – Tĩnh, Nam – Ngãi – Bình – Phú, Đồng Tháp Mười, U Minh, Chiến khu Đ… Đây là một nhân tố hết sức quan trọng đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954).
Từ năm 1954 đến 1975, để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ – một nước đế quốc mạnh nhất thế giới từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, Đảng ta đã tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng to lớn này, ngoài việc xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững mạnh, thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, Đảng ta còn chủ trương xây dựng và phát triển hệ thống căn cứ địa trên các địa bàn chiến lược ở miền Nam như Trị Thiên, Tây Nguyên, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ… Do tác động của mục tiêu và nhiệm vụ cách mạng đặt ra, cũng như các điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội ở khu vực, vùng miền mà ở miền Nam thời chống Mỹ có nhiều loại hình căn cứ địa với các quy mô khác nhau. Mặt khác, các căn cứ địa cách mạng ở miền Nam thời chống Mỹ có
những điểm giống nhau nhưng cũng có nhiều nét riêng do điều kiện lịch sử địa phương quy định. Song, tất cả các căn cứ địa đã góp phần tạo ra tiềm lực to lớn để quân và dân miền Nam đánh thắng các chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
Với vai trò và vị trí to lớn trên đây, vấn đề căn cứ địa trở thành một phận hữu cơ của cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam thời chống Mỹ. Đây là một đối tượng lịch sử cần được nghiên cứu để làm sáng tỏ vai trò và vị trí của một phương thức chiến tranh cách mạng, góp phần làm sáng tỏ đầy đủ về lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại do dân tộc ta tiến hành. Vấn đề căn cứ địa thời chống Mỹ không chỉ cần và phải được khôi phục, đánh giá một cách khách quan với những biểu hiện của nó, mà còn phải làm rõ những điểm nổi bật có tính vùng miền của các căn cứ địa trên các địa bàn chiến lược ở miền Nam. Để góp phần thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu trên, vấn đề nghiên cứu căn cứ địa cách mạng ở khu vực Trung Trung Bộ (bao gồm các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) cũng đặt ra hết sức cần thiết. Đây là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng ở Khu V; là cửa ngõ từ Biển Đông vào miền Trung và Tây Nguyên; là bàn đạp để tỏa đi các hướng chiến lược và các chiến trường khác, đồng thời cũng là điểm đầu tiếp nhận sự chi viện từ miền Bắc vào bằng đường bộ và đường biển. Vì vậy, Trung Trung Bộ là địa bàn giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Tại đây, nhiều căn cứ địa cách mạng đã được xây dựng như: Khu Sông Đà (Đà Nẵng), Nước Oa, Nước Là, Sơn – Cẩm – Hà, Tiên Sơn (Quảng Nam), Trà Bồng, Sơn Tây (Quảng Ngãi), Núi Bà, Hòn Chè (Bình Định), Thồ Lồ, Vân Hòa (Phú Yên)… Các căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ đã hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại địa bàn cũng như trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ nói chung của cả dân tộc.
Lịch sử hình thành, phát triển cùng những đóng góp của các căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ lâu đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu. Tuy nhiên, cho đến nay, vì nhiều lý do khác nhau, vấn đề căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ mới chỉ được đề cập một cách khái lược trong các công trình nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Khu V cũng như trong các công trình tổng kết lịch sử truyền thống địa phương. Do vậy, việc nghiên cứu vấn đề Căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) sẽ mang lại nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Về ý nghĩa khoa học, luận án làm rõ quá trình hình thành, phát triển, vai trò, vị trí, đặc điểm của căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Qua đó, bổ sung một số tư liệu làm rõ vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề căn cứ địa; sự linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động tổ chức, xây dựng căn cứ địa cách mạng ở các vùng miền. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần làm sáng tỏ đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và chiến lược xây dựng căn cứ địa đã được vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Trung Trung Bộ. Kết quả nghiên cứu của luận án còn góp phần bổ sung kiến thức nghiên cứu về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, đặc biệt là đối với Trung Trung Bộ nói riêng.
Về ý nghĩa thực tiễn, từ những cứ liệu nghiên cứu để bước đầu rút ra những bài học kinh nghiệm là một yêu cầu cần thiết nhằm phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng thế trận an ninh – quốc phòng trên địa bàn hiện nay. Kết quả nghiên cứu của luận án cũng sẽ góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, là cơ sở để trùng tu và bảo tồn các di tích căn cứ địa kháng chiến thời chống Mỹ. Đây còn là nguồn tài liệu quý báu để nghiên cứu và dạy học về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở các bậc học.
Từ những ý nghĩa khoa học và thực tiễn trên đây, chúng tôi chọn vấn đề Căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) làm đề tài nghiên cứu cho luận án Tiến sĩ Lịch sử chuyên ngành Lịch sử Việt Nam