ThS33.001_Cái nhìn không gian và thời gian nghệ thuật trong hồi ký của Tô Hoài (Qua hồi ký Cát bụi chân ai và Chiều chiều)
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1.1. Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Nhắc đến Tô Hoài là ta nhắc đến “một nhà văn có nghề nghiệp vững vàng với một công phu rèn luyện dẻo dai, bền bỉ”. Trên hành trình sáng tạo nghệ thuật gần 70 năm, Tô Hoài đã trải qua những mốc lịch sử đặc biệt quan trọng: trong chiến tranh và sau chiến tranh, trước và sau cách mạng, trước và sau thời kỳ đổi mới văn học. Thành tựu xuất sắc và độc đáo của Tô Hoài là những đóng góp quan trọng cho nền văn học hiện đại Việt Nam. Đóng góp ấy thể hiện trên nhiều thể loại và đề tài: từ đề tài miền xuôi đến đề tài miền núi, từ truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện thiếu nhi đến kịch, ký,… . Hầu như ở thể loại và đề tài nào Tô Hoài cũng để lại dấu ấn rõ nét, đúng như G.S Hà Minh Đức đã nhận xét: “Tô Hoài là một cây bút văn xuôi sắc sảo và đa dạng”.
1.2. Tô Hoài được độc giả biết đến từ những sáng tác tr ước Cách mạng tháng Tám năm 1945 với những truyện viết về đề tài thiếu nhi, về những con người ở một vùng quê ven đô. Những năm kháng chiến rồi hòa bình, ngòi bút của Tô Hoài chưa bao giờ ngưng nghỉ. Ông viết truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi ký… trong đó hồi ký là thể loại có vị trí đặc biệt thể hiện đậm nét phong cách nghệ thuật của nhà văn. Hồi ký của Tô Hoài thực sự được người đọc quan tâm và có những đánh giá sâu sắc khi các thể loại khác của ông đi vào giai đoạn gần như đã viên mãn. Hai tập hồi ký Cát bụi chân ai và Chiều chiều đã ghi lại hiện thực cuộc sống một cách chân thực, sinh động và sáng tạo. Nhắc đến hồi ký của Tô Hoài, chúng ta không thể không nhắc đến hai tập hồi ký này.
1.3. Tiếp cận và nghiên cứu văn học từ góc độ thi pháp là cách có sức hấp dẫn, hiệu quả khoa học cao. Bởi đối tượng của thi pháp học là tính quy luật nội tại của quá trình sáng tạo nghệ thuật văn chương. Trong đó hình thức là phương thức tồn tại và biểu hiện của nội dung. Để hiểu được nội dung chỉ có con đường là khám phá về hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Chính mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong nghệ thuật đã qui định cách tiếp cận của thi pháp học. Vì thế, việc nghiên cứu hồi ký của Tô Hoài từ góc độ thi pháp (cái nhìn, không gian và thời gian) sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn những giá trị các tập hồi ký của nhà văn Tô Hoài.
1.4. Lâu nay, các nhà nghiên cứu phê bình văn học đã dành nhiều công sức cũng như tâm huyết cho các sáng tác của Tô Hoài nhưng những công trình coi thể hồi ký là đối tượng chuyên biệt còn khá khiêm tốn. Đặc biệt, với mong muốn giúp giáo viên giảng dạy ở các bậc học cũng như bạn đọc yêu mến nhà văn Tô Hoài có một cái nhìn tổng quát về tác giả, đồng thời thấy được vẻ đẹp văn chương, sự cảm nhận tinh tế về hiện thực cuộc sống của nhà văn, chúng tôi chọn đề tài: “Cái nhìn, không gian và thời gian nghệ thuật trong hồi ký của Tô Hoài”