LA16.014_Các yếu tố tác động đến xuất khẩu nông sản việt nam vào thị trường EU
1. Mục tiêu nghiên cứu
1.1. Mục tiêu chung
Trên cơ sở nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về các yếu tố tác động đến xuất khẩu nông sản, phân tích thực trạng xuất khẩu nông sản, thực trạng các yếu tố tác động đến xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường EU, luận án đề xuất một số giải pháp và kiến nghị nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường này đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
1.2. Mục tiêu cụ thể
(1) Hệ thống hóa, làm sáng tỏ và từng bước phát triển cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn về các yếu tố tác động đến xuất khẩu nông sản.
(2) Phân tích thực trạng xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường EU trong giai đoạn 2005 – 2015, những kết quả đạt được và hạn chế còn tồn tại, nguyên nhân của hạn chế.
(3) Đánh giá tác động của các yếu tố đến xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường EU giai đoạn 2005 – 2015 dưới cách tiếp cận của mô hình trọng lực.
(4) Đưa ra các quan điểm, định hướng và đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường EU đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án nghiên cứu các yếu tố có ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản, tác động của các yếu tố này đến xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường EU.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi về không gian:
Luận án nghiên cứu trong phạm vi Việt Nam và 26 nước thuộc EU
Luận án không xét Croatia và Luxembourg bởi vì Croatia mới gia nhập vào EU năm 2014, còn Luxembourg có trao đổi thương mại không đáng kể với Việt Nam. Mặc dù sau Brexit, nước Anh sẽ rời khỏi EU nhưng luận án vẫn nghiên cứu Anh. Theo đánh giá của Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công thương, thì khi Anh rời EU, các chính sách thương mại quốc tế của nước này về cơ bản sẽ không thay đổi nhiều. Do vậy, việc Anh sẽ rời khỏi EU sẽ không tác động lớn đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào quốc gia này.
Phạm vi về thời gian:
Luận án phân tích thực trạng xuất khẩu nông sản và các yếu tố tác động đến xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường EU giai đoạn 2005 – 2015 ; đề xuất các giải pháp, kiến nghị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Phạm vi về nội dung:
(1) Luận án nghiên cứu các yếu tố tác động đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU, tập trung vào 26 quốc gia là Pháp, Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan, Anh, Ailen, Đan Mạch, Hi Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Thụy Điển, Phần Lan, Séc, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Litva, Latvia, Estonia, Malta, Cộng hòa Síp, Bulgaria, Rumani (các nước này được xếp theo trình tự thời gian gia nhập EU).
(2) Luận án đi sâu nghiên cứu một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam vào thị trường EU trong giai đoạn hiện nay là: cà phê, hồ tiêu, trái cây.
3. Những đóng góp mới của luận án
3.1. Những đóng góp mới về mặt lý luận
Luận án đã hoàn thiện một bước cơ sở lý luận và thực tiễn về các yếu tố tác động đến xuất khẩu nông sản của nước đang phát triển, có nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, sang các nước phát triển. Từ cách tiếp cận của mô hình trọng lực, các yếu tố này được chia thành 3 nhóm là: các yếu tố tác động đến cung, các yếu tố tác động đến cầu và các yếu tố hấp dẫn, cản trở.
Luận án đã bổ sung vào khung phân tích một số yếu tố có tác động đến xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường EU, đó là: các cam kết chính của Hiệp định FTA thế hệ mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, chỉ số công nghệ của nước xuất khẩu và nước nhập khẩu, chất lượng cơ sở hạ tầng của nước xuất khẩu và nước nhập khẩu, gánh nặng chính sách của Chính phủ nước xuất khẩu và nước nhập khẩu.
3.2. Những đóng góp mới về mặt thực tiễn
Luận án sử dụng kết hợp cả hai phương pháp phân tích định tính và phân tích định lượng, trong đó:
Phân tích định tính tập trung làm rõ thực trạng của các yếu tố tác động đến xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường EU như: chính sách khuyến khích hoạt động
Một số thông tin trong luận án được cập nhật cho đến năm 2016 sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, rào cản thương mại hiện tại của EU và các cam kết chính của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Phân tích định lượng sử dụng kỹ thuật hiệu ứng ngẫu nhiên (REM) và mô hình trọng lực mở rộng để đo lường ảnh hưởng của các yếu tố sau tới xuất khẩu nông sản và một số mặt hàng nông sản điển hình (cà phê, hồ tiêu, trái cây): GDP bình quân đầu người gộp, dân số gộp, khoảng cách địa lý, chỉ số sẵn sàng công nghệ gộp, chất lượng cơ sở hạ tầng gộp và gánh nặng chính sách của Chính phủ nước xuất khẩu và nước nhập khẩu. Phần lớn kết quả thu được phù hợp với cơ sở lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu.
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, luận án đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường EU đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030