LA02.229_Các yếu tố ảnh hưởng đến mức xếp hạng tín nhiệm của Ngân hàng thương mại – Nghiên cứu tại các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi
1.3 Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu tổng quát của luận án này là xác định sự khác biệt trong tác động của các yếu tố có ảnh hưởng đến mức xếp hạng tín nhiệm của NHTM tại các nền kinh tế phát triển so với các nền kinh tế mới nổi thông qua việc thực hiện các kiểm định kinh tế lượng và thiết lập các mô hình định lượng để phản ánh sự tác động của các yếu tố ảnh hưởng nêu trên đối với MXHTN của các NHTM. Trên cơ sở đó, luận án cần đạt được những mục tiêu cụ thể như sau:
(1): Phân tích và so sánh tác động của các yếu tố mang tính chất hệ thống như mức độ rủi ro quốc gia và mức độ rủi ro ngành ngân hàng đến mức xếp hạng tín nhiệm của các NHTM tại các nền kinh tế phát triển và tại các nền kinh tế mới nổi .
(2): Phân tích và so sánh tác động của các yếu tố thể hiện những đặc trưng riêng NHTM bao gồm quy mô, đặc điểm sở hữu và các chỉ tiêu tài chính đến mức xếp hạng tín nhiệm của các đơn vị này tại các nền kinh tế phát triển và tại các nền kinh tế mới nổi.
1.4 Câu hỏi nghiên cứu
Xuất phát từ vấn đề nghiên cứu và các mục tiêu nghiên cứu cụ thể đã trình bày ở phần trên, tác giả đưa ra một số câu hỏi nghiên cứu chi tiết như sau:
Thứ nhất, có tồn tại sự khác biệt trong tác động của các yếu tố mang tính chất hệ thống như mức độ rủi ro quốc gia và mức độ rủi ro ngành ngân hàng đến MXHTN của các NHTM tại các nền kinh tế phát triển so với các NHTM tại các nền kinh tế mới nổi hay không ?
Thứ hai, có tồn tại sự khác biệt trong tác động của các yếu tố thể hiện những đặc trưng riêng của NHTM như quy mô, đặc điểm sở hữu và các chỉ tiêu tài chính đến MXHTN của các NHTM tại các nền kinh tế phát triển so với các NHTM tại các nền kinh tế mới nổi hay không ?
1.5 Đối tượng, phạm vi, dữ liệu và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: là MXHTN và các yếu tố tác động đến MXHTN của các NHTM tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển bao gồm: các nước thuộc nhóm G7 và một số quốc gia khác như Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hà Lan, Bỉ,… ; và các NHTM tại các quốc gia được IMF đánh giá là các thị trường mới nổi như: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Argentina, Chile, Mexico, Thái Lan, Philippinies, Việt Nam,…. (chi tiết tham khảo phụ lục 1a và phụ lục 1b).
Phạm vi nghiên cứu: luận án tập trung nghiên cứu các MXHTN của NHTM và các yếu tố tác động đến MXHTN của các NHTM thuộc hai nhóm nước nêu trên trong giai đoạn từ 2010 đến 2015.
Dữ liệu nghiên cứu: dữ liệu nghiên cứu của luận án là dữ liệu chéo vềMXHTN của các NHTM, các chỉ số tài chính của các đơn vị này và các yếu tố vĩ mô liên quan đến môi trường hoạt động có tác động đến MXHTN của các NHTM. Dữ liệu về MXHTN của các NHTM được lấy từ các công bố MXHTN của Fitch. Dữ liệu về các chỉ số tài chính của các NHTM được lấy từ nguồn dữ liệu Bankscope.
Phương pháp nghiên cứu: luận án sử dụng phương pháp phân tích phương sai một yếu tố kết hợp với phương pháp lựa chọn biến giải thích trong mô hình hồi quy Ordered logit để xác định các yếu tố tác động đến MXHTN của các NHTM. Mặt khác, luận án sử dụng phương pháp đánh giá tác động tổng hợp của biến giải thích và biến tương tác để xác định sự khác biệt trong tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến MXHTN của NHTM tại các nền kinh tế phát triển so với các nền kinh tế mới nổi.
1.6 Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
1.6.1 Ý nghĩa khoa học
Luận án đóng góp thêm cho lĩnh vực nghiên cứu về MXHTN của các NHTM những bằng chứng thực nghiệm về sự khác biệt trong tác động của các yếu tố mang tính chất hệ thống như mức độ rủi ro quốc gia, mức độ rủi ro của ngành ngân hàng và những yếu tố đặc trưng riêng NHTM bao gồm quy mô, đặc điểm sở hữu và các chỉ tiêu tài chính đến MXHTN của các đơn vị này tại các nền kinh tế phát triển so với các nền kinh tế mới nổi.
1.6.2 Ý nghĩa thực tiễn
Thứ nhất, việc xác định được các yếu tố ảnh hưởng và mức độ tác động của các yếu tố này đến mức xếp hạng tín nhiệm của các NHTM, giúp cho các cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng tại các nền kinh tế mới nổi có thêm một công cụ hữu hiệu để nhận biết tình hình tài chính và mức độ rủi ro của các NHTM. Từ đó, các cơ quan quản lý này có thể đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời nhằm hạn chế những thiệt hại do việc phá sản hay mất khả năng thanh toán của các ngân hàng gây ra cho nền kinh tế. Mặt khác, kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp thêm các cơ sở tham khảo cho các cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng tại các nền kinh tế mới nổi khi đưa ra các quy định nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của các NHTM và cải thiện MXHTN của NHTM tại các quốc gia này theo tiêu chuẩn đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.
Thứ hai, việc xác định những yếu tố ảnh hưởng đến MXHTN và sự khác biệt trong tác động của các yếu tố này đến MXHTN của NHTM tại các nền kinh tế mới nổi so với các nền kinh tế phát triển giúp cho các NHTM tại các nền kinh tế mới nổi chủ động lựa chọn các giải pháp phù hợp nhằm cải thiện được MXHTN cho bản thân.
Qua đó, các NHTM này có thể củng cố uy tín và nâng cao năng lực huy động vốn trên cả thị trường trong và ngoài nước.
1.7 Những đóng góp của luận án
Các nghiên cứu về xây dựng mô hình dự đoán mức xếp hạng tín nhiệm sử dụng mẫu quan sát bao gồm các NHTM từ nhiều quốc gia khác nhau về điều kiện và trình độ phát triển nền kinh tế (Poon và cộng sự, 1999; Matousek và Steward, 2009; Ioannidis và cộng sự, 2010; Caporale và cộng sự, 2012). Tuy nhiên, trong luận án này, tác giả xây dựng mô hình phản ánh tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến MXHTN của NHTM trên mẫu dữ liệu các NHTM tại các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi một cách tách biệt nhau. Đây là một đóng góp của luận án so với các nghiên cứu trước, nhằm mục đích để mô hình phản ánh chính xác và đầy đủ những yếu tố tác động và mức độ tác động của các yếu tố này đến MXHTN của các NHTM tại riêng các nền kinh tế phát triển và tại riêng các nền kinh tế mới nổi.
Các nghiên cứu trước về sự chính xác và tính thống nhất trong các đánh giá MXHTN đối với NHTM chủ yếu nhằm chứng minh các đánh giá MXHTN được thực hiện không theo yêu cầu của đơn vị được đánh giá thấp hơn các đánh giá MXHTN được thực hiện theo yêu cầu của đơn vị được đánh giá và việc có đánh giá MXHTN theo yêu cầu hay có đánh giá MXHTN không theo yêu cầu có ảnh hưởng quan trọng đến MXHTN của NHTM (Poon và Firth, 2005; Poon và cộng sự, 2009). Ngoài ra, nghiên cứu của Shen và cộng sự (2012) nhằm chứng minh mức độ bất cân xứng thông tin tại các quốc gia khác nhau ảnh hưởng đến sự tác động của một số chỉ tiêu tài chính đến MXHTN của NHTM. Do vậy, đóng góp mới của luận án so với các nghiên cứu kể trên đó là luận án giúp làm sáng tỏ sự khác biệt trong tác động của các yếu tố như: mức độ rủi ro quốc gia, mức độ rủi ro của ngành, quy mô, đặc điểm sở hữu và các chỉ tiêu tài chính của NHTM đến MXHTN của các đơn vị này tại các nền kinh tế phát triển so với tại các nền kinh tế mới nổi.
1.8 Kết cấu của luận án
Bố cục của luận án được chia thành 5 chương, chi tiết như sau:
Chương 1 “Giới thiệu”. Chương này nhằm mục đích giới thiệu tổng quan về luận án bao gồm các nội dung cơ bản như: vấn đề nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn và những đóng góp của luận án.
Chương 2 “Xếp hạng tín nhiệm ngân hàng thương mại tại các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi”. Nội dung của chương bao gồm phần trình bày tóm lược một số vấn đề cơ bản liên quan đến MXHTN của NHTM, đặc điểm kinh tếvà đặc điểm của các NHTM tại các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Bên cạnh đó, nội dung của chương cũng trình bày cơ sở lý thuyết của luận án và tóm tắt các nghiên cứu thực nghiệm liên quan đến MXHTN của các NHTM để đúc kết thành khung phân tích phù hợp cho luận án.
Chương 3 “Phương pháp nghiên cứu”. Nội dung của chương bao gồm: phần trình bày mô hình nghiên cứu, mô tả tóm tắt dữ liệu nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu của luận án. Bên cạnh đó, tác giả trình bày chi tiết các phương pháp kinh tế lượng được áp dụng trong luận án để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến MXHTN của NHTM và sự khác biệt trong tác động của các yếu tố này đến MXHTN của NHTM tại các nền kinh tế phát triển so với các nền kinh tế mới nổi.
Chương 4 “Kết quả nghiên cứu và thảo luận”. Chương 4 trình bày kết quả phân tích phương sai một yếu tố các biến giải thích trong mô hình nghiên cứu theo các MXHTN khác nhau và kết quả của phương pháp lựa chọn biến giải thích trong mô hình Ordered logit để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến MXHTN của NHTM tại các nền kinh tế phát triển và tại các nền kinh tế mới nổi. Mặt khác, nội dung của chương cũng bao gồm kết quả đánh giá mức độ phù hợp và kết quả kiểm định một số giả định của mô hình nghiên cứu. Ngoài ra, chương này cũng trình bày kết quả phân tích nhằm xác định sự khác biệt trong tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến MXHTN của NHTM tại các nền kinh tế phát triển so với các nền kinh tế mới nổi. Cuối cùng, nội dung của chương trình bày phần thảo luận các kết quả nghiên cứu của luận án và kiểm định các giả thuyết nghiên cứu trong luận án đã đề ra trong chương 3.
Chương 5 “Kết luận và gợi ý chính sách”. Chương này tóm tắt lại một số kết quả chính của luận án, những gợi ý chính sách cho các cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng và bản thân các NHTM. Cuối cùng, chương 5 trình bày một số hạn chế của luận án và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo.