ThS08.030_Các yếu tố tác động đến sự tồn tại trên thị trường của các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI nền kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ với sự đổi mới về nhận thức (công nhận nền kinh tế nhiều thành phần cùng các quy luật thị trường khách quan; bình thường hóa quan hệ thương mại với Hoa Kỳ và Tây Âu), xu hướng mở cửa và tham gia sâu hơn vào tiến trình kinh tế thế giới. Với những xung lực đó, kinh tế nước nhà đã có những bước nhảy vọt; mà một phần quan trọng trong các thành tựu ấy đến từ khối doanh nghiệp: Trong năm 2015, cả nước có 94754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 601,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014 (Năm 2014, số doanh nghiệp giảm 2,7%; số vốn tăng 8,4% so với năm 2013). Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2015 là 1471,9 nghìn người, tăng 34,9% so với năm 2014. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2015 là 9467 doanh nghiệp, giảm 0,4% so với năm trước, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm 93,8%).
Tính đến cuối quý I năm 2015, Lâm Đồng có 4.183 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), lũy kế số DN đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh có 7.132 đơn vị. Trong đó: 602 công ty cổ phần, 4.482 công ty TNHH; 248 DN tư nhân. Với tốc độ gia tăng nhanh về số lượng DN mới, bình quân tăng 20,2%/năm, tính đến nay, bình quân tỉnh đạt tỷ lệ 1 DN đăng ký kinh doanh trên 168 người dân (cả nước 1 DN trên 184 người dân). Tỷ lệ này tuy thấp so với mục tiêu mà các nền kinh tế APEC phấn đấu đạt 1 DN trên 20 người dân, tuy nhiên, nếu so với năm 2010 với tỷ lệ trung bình lúc đó là 1 DN trên 184 người dân (cả nước 1 DN trên 264 người dân) thì kết quả đạt được về số DN tính trên số dân trong giai đoạn 2010 – 2015 của Lâm Đồng có bước phát triển đáng khích lệ. Năm năm qua, với sự phát triển nhanh về số lượng và quy mô, các DNNVV đã góp phần quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành đội ngũ doanh nhân mới ngày càng năng động, kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại bất cập hạn chế: chất lượng sản phẩm thấp và năng lực cạnh tranh kém; tình trạng thiếu vốn hoặc không có vốn mở rộng sản xuất kinh doanh là phổ biến; chưa áp dụng các chuẩn mực quản trị kinh doanh, quản lý tài chính thiếu minh bạch, sổ sách kế toán chưa được lập đúng các chuẩn mực kế toán, hạch toán. Do đó số lượng DN phá sản ngày càng tăng lên, chu kỳ sống của DN trung bình thường dưới 2 năm.
Với những thống kê như vậy, có thể thấy rằng thực trạng quản lý DNNVV trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn có nhiều bất cập, hạn chế, nguyên nhân xuất phát từ nguồn lực bản thân chủ doanh nghiệp với nhóm nhân tố môi trường vi mô (Năng lực chuyên môn; Kỳ vọng tài chính; Tự chủ; Tuổi chủ DN; Kinh nghiệm ngành nghề kinh doanh (kn); Nguồn vốn tự có; Nguồn vốn vay ngân hàng và TCTD); môi trường ngành (cạnh tranh; rào cản kinh doanh); môi trường vĩ mô như: Chính sách pháp luật; Thủ tục hành chính; Chính sách hỗ trợ DNNVV; Nguồn lực sản xuất; Nhu cầu sức mua.Từ đó, câu hỏi về cơ chế tác động của các yếu tố nói chung đến sự phát triển của các DN mới thành lập được đặt ra nhằm mục đích định hình chính sách và bảo vệ chủ DN. Đó cũng chính là lý do mà tác giả lựa chọn đề tài: “Các yếu tố tác động đến sự tồn tại trên thị trường của các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” làm vấn đề nghiên cứu cho luận văn.