LA01.053_Các yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và kinh doanh cà phê tại Việt Nam
Hiện nay, diện tích cà phê toàn cầu khoảng 10 triệu ha, được sản xuất tại hơn 79 quốc gia. Tổng sản lượng sản xuất bình quân hàng năm trong những năm gần đây khoảng 151,005,25 triệu bao2 (1 bao = 60 kg), tương ứng khoảng 9,06 triệu tấn. Phần lớn các quốc gia sản xuất cà phê dành phần nhiều sản phẩm làm ra để xuất khẩu. Một số quốc gia khác ưu tiên tiêu dùng trong nước, phần còn lại xuất khẩu (đơn cử Brazil). Sản phẩm cà phê được chế biến thành các dạng khác nhau nhưng phổ biến là cà phê bột và cà phê hòa tan. Nhiều chủng loại cà phê được sản xuất, song hai chủng loại được chọn làm nền tảng giao dịch trên thị trường thế giới là cà phê Arabica và cà phê Robusta. Mỗi chủng loại cà phê được giao dịch trên một thị trường chuyên biệt. Cà phê Arabica giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa New York (NYBOT), cà phê Robusta giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa London (LIFFE).Hai thị trường này vừa giao dịch hàng thật và vừa giao dịch các sản phẩm phái sinh.
Từ nhiều năm nay, Việt Nam là nước sản xuất Cà phê đứng thứ hai trên thế giới (sau Brazil), sản lượng bình quân hàng năm trong những năm gần đây khoảng 1,3 triệu tấn/năm – chiếm tỷ trọng 16,1% sản lượng thế giới. Đối với cà phê Robusta, Việt Nam là quốc gia sản xuất đứng đầu thế giới. Diện tích trồng cà phê của Việt Nam hiện nay khoảng 641,7 nghìn ha3. Theo Cục Xúc Tiến Thương Mại thuộc Bộ Công Thương dẫn nguồn số liệu điều tra thực tế năm 2014 của Bộ NN&PTNT thì diện tích trồng cà phê của Việt Nam hiện tại khoảng 653,35 nghìn ha4. Trong đó: cà phê Robusta khoảng 608.000 ha, cà phê Arabica khoảng 45.000 ha. Phần lớn sản lượng cà phê của Việt Nam dành cho xuất khẩu. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ở dạng nguyên liệu – cà phê nhân. Năm 2014 sản lượng xuất khẩu của Việt Nam là 1,6906 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,5569 tỷ USD 5,chiếm tỷ trọng khoảng 2,37 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy mặt hàng này mang lại hiệu quả cao so với các mặt hàng khác trong nhóm sản phẩm nông nghiệp, đóng góp rất đáng kể cho nền kinh tế nhưng cũng chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố rủi ro. Thêm vào đó, công tác quản trị rủi ro của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất và kinh doanh cà phê của Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, cần phải xác định rõ các yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và kinh doanh, đồng
thời xây dựng thang đo lường rủi ro phù hợp nhằm đề ra những giải pháp quản trị rủi ro tối ưu để khắc phục hạn chế và phát huy lợi thế. Những yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và kinh doanh cà phê rất đa dạng và phức tạp nhưng có thể phòng ngừa và hạn chế được. Nghiên cứu về các yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và kinh doanh cà phê tại Việt Nam không chỉ đơn thuần mang lại giá trị về mặt thực tiễn mà còn mang lại giá trị khoa học cao. Chính vì vậy, nghiên cứu đề tài “Các yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và kinh doanh cà phê tại Việt Nam” mang tính cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.