LA01.069_Các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản
Xuất phát từ tính cấp thiết, tổng quan các nghiên cứu nước ngoài, trong nước và những khoảng trống nghiên cứu đã phân tích ở mục trên cho thấy, chưa có mô hình lý thuyết lượng hóa nào phản ánh tương đối đầy đủ ba nhóm yếu tố ảnh hưởng cơ bản đến xuất khẩu như bản chất của hoạt động xuất khẩu (nhóm các yếu tố liên quan đến QGXK, nhóm các yếu tố liên quan đến QGNK và nhóm các yếu tố liên quan đến hoạt động xuất khẩu từ QGXK – QGNK). Vì vậy rất cần thiết có mô hình lý thuyết lượng hóa các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của QGXK sang QGNK phản ánh tương đối đầy đủ ba nhóm các yếu tố cơ bản trên. Do đó vấn đề thứ nhất đặt ra là dựa vào cơ sở khoa học nào để xây dựng mô hình lý thuyết lượng hóa về các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của QGXK sang QGNK? Theo mô hình lý thuyết đó thì các yếu tố ảnh hưởng nào được xem xét và dấu kỳ vọng của từng yếu tố ra sao?
Xuất phát từ tính cấp thiết và tổng quan các nghiên cứu trong nước, khoảng trống cho nghiên cứu cho thấy, rất cần thiết để phát triển xuất khẩu thủy sản VN – NB trong thời gian tới. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được các yếu tố định tính ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản VN – NB nhưng chưa đo lường được cụ thể mức độ tác động của từng yếu tố, xác định thứ tự tầm quan trọng của từng yếu tố nên kết quả mang lại chưa đóng góp nhiều cho phát triển xuất khẩu ngành. Một vài nghiên cứu đã thấy được những hạn chế đó và tiến hành nghiên cứu định lượng và chỉ ra được nhiều yếu tố ảnh hưởng, xác định được mức độ tác động, thứ tự tầm quan trọng của từng yếu tố nhưng lại không gắn với thực tế ngành thủy sản, các sản phẩm thủy sản và kết quả mang lại cũng chưa cao và chưa thuyết phục. Vì vậy, cần thiết tiếp tục nghiên cứu, phát hiện và đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản VN – NB gắn liền với thực tiễn và mang tính thuyết phục hơn để làm cơ sở cho đề xuất chính sách, giải pháp phát triển xuất khẩu thủy sản VN – NB nói riêng và phát triển xuất khẩu thủy sản VN nói chung. Do vậy, vấn đề thứ hai đặt ra là các yếu tố nào ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản VN – NB? Mức độ tác động và thứ tự tầm quan trọng của từng yếu tố ra sao?
Xuất phát từ tổng quan nghiên cứu nước ngoài và khoảng trống nghiên cứu cho thấy, các hàng hóa xuất khẩu khác nhau thì các yếu tố ảnh hưởng và mức độ tác động cũng khác nhau. Tuy nhiên các nghiên cứu trong nước chỉ đề cập đến các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản nói chung, chưa chỉ ra được sự khác biệt giữa các mặt hàng xuất khẩu trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu (như mặt hàng tôm, cá, mực và bạch tuộc, …), vì vậy các chính sách và giải pháp đề xuất chung chung cho tất cả các mặt hàng thủy sản chưa thuyết phục và thực tế. Do đó, vấn đề nghiên cứu thứ ba đặt ra là có sự khác biệt về các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu ở mặt hàng xuất khẩu tôm, cá và các mặt hàng khác không?
Tóm lại, qua tính cấp thiết và khoảng trống nghiên cứu, ba vấn đề nghiên cứu chính của luận án như sau: Thứ nhất, dựa vào cơ sở khoa học nào để xây dựng mô hình lý thuyết lượng hóa về các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của QGXK sang QGNK? Theo mô hình lý thuyết đó thì các yếu tố ảnh hưởng nào được xem xét và dấu kỳ vọng của từng yếu tố ra sao?. Thứ hai, các yếu tố nào ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản VN – NB? Mức độ tác động và thứ tự tầm quan trọng của từng yếu tố ra sao?. Thứ ba, có sự khác biệt về các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu ở mặt hàng xuất khẩu tôm và cá không? Một lần nữa cho thấy đề tài nghiên cứu của luận án “Các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản” là cần thiết và hữu ích.