LA02.132_Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định chấp nhận và sử dụng dịch vụ ngân hàng khu vực nông thôn ngoại thành Hà Nội
Những đóng góp mới về lý luận và phương pháp nghiên cứu
(1) Áp dụng lý thuyết hành vi người tiêu dùng và các mô hình nghiên cứu ý định chấp nhận sử dụng một sản phẩm/công nghệ mới như: mô hình lý thuyết phổ biến sự đổi mới (IDT); lý thuyết hành động hợp lý (TRA); lý thuyết hành vi dự định (TPB); mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) để xây dựng mô hình nghiên cứu ý định chấp nhận và sử dụng dịch vụ ngân hàng khu vực nông thôn, gồm 6 nhân tố: dễ sử dụng, sự hữu ích, tính đổi mới, sự tin tưởng, ảnh hưởng của xã hội, truyền thông về dịch vụ. Luận án đã luận giải phân tích và nghiên cứu thêm 2 nhân tố có ảnh hưởng rõ ràng tới ý định chấp nhận và sử dụng dịch vụ ngân hàng khu vực nông thôn là: tính đổi mới và truyền thông về dịch vụ ngân hàng mà các nghiên cứu trước đây hầu như chưa đề cập tới ở các mô hình nghiên cứu ý định chấp nhận và sử dụng sản phẩm/dịch vụ trong nhiều lĩnh vực khác.
Luận án cũng đã nghiên cứu sự ảnh hưởng của yếu tố truyền thông về dịch vụ ngân hàng tác động đến ý định sử dụng sản phẩm ngân hàng thông qua các biến trung gian: sự hữu ích, tính đổi mới, dễ sử dụng, sự tin tưởng, ảnh hưởng xã hội của các dịch vụ ngân hàng đối với ý định sử dụng dịch vụ ngân hàng.
(2) Bổ sung nội dung thang đo tính đổi mới và thang đo truyền thông về dịch vụ cho phù hợp với điều kiện nghiên cứu ý định sử dụng dịch vụ ngân hàng tại khu vực nông thôn Việt Nam.
Những đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu
Thực hiện kiểm định mô hình nghiên cứu bằng phương pháp SEM với hai mô hình: mô hình đo lường và mô hình cấu trúc. Kết quả phân tích đã chỉ ra có 2 nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến ý định sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng đó là: sự tin tưởng của khách hàng và truyền thông về dịch vụ ngân hàng cung cấp.
Khách hàng tin tưởng là yếu tố quan trọng nâng cao uy tín của ngân hàng. Trên thị trường dịch vụ ngân hàng nông thôn, đối tượng khách hàng có những đặc thù riêng, vì vậy họ luôn có xu hướng tâm lý đảm bảo an toàn cho tài chính của mình. Các ngân hàng cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro cho các dịch vụ ngân hàng để đảm bảo an toàn khi khách hàng sử dụng các dịch vụ này.
Sự thiếu hụt thông tin có xu hướng gây tâm lý bất an về rủi ro và không tin tưởng vào tổ chức cung cấp sản phẩm/dịch vụ và dẫn đến giảm ý định sử dụng dịch vụ, điều này phù hợp với đặc điểm văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam. Do vậy, các thông tin về dịch vụ ngân hàng được tuyên truyền bằng nhiều phương thức, trong đó thông tin hướng dẫn từ các nhân viên marketing và nhân viên giao dịch… của ngân hàng càng cẩn thận, cụ thể, chi tiết thì khách hàng càng có xu hướng, có ý định sử dụng dịch vụ ngân hàng cao hơn. Để tăng ý định chấp nhận và sử dụng dịch vụ, các ngân hàng cũng cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội như Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… và với các cơ quan tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ như các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, viện nghiên cứu…nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn thông tin, tăng cường phối hợp hướng dẫn người dân khu vực này sử dụng các dịch vụ ngân hàng gắn kết với các chương trình phát triển kinh tế của địa phương.