LA01.048_Các nhân tố tác động đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính trong các doanh nghiệp tại Việt Nam
Trong thời đại được chi phối bởi thông tin, chất lượng thông tin (CLTT) là mối bận tâm hàng đầu của phần lớn các tổ chức (Mouzhi Ge, 2009). Thông tin là nhân tố chính yếu tạo ra sự thành công, gia tăng khả năng cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng và cung cấp những sản phẩm và dịch vụ có ích cho khách hàng (Laudon & Laudon, 2007). Ruzevicius & Gedminaite (2007) đã chỉ ra hiệu quả của hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào CL (Chất lượng) của thông tin và các tổ chức không chỉ xem xét thông tin là một yếu tố hỗ trợ, mà còn là một sản phẩm hỗ trợ cho quá trình quản lý. Ruzevicius & Gedminaite (2007) cho rằng quản trị CLTT trở thành một trong những nhân tố chính của quản trị tổ chức. Thông tin kế toán (KT) được xem là thành phần chính yếu của thông tin quản lý, đảm nhận vai trò quản lý nguồn lực thông tin tài chính cho các DN (Gelinas & ctg, 1999; James A. Hall, 2011). Joseph & ctg (2002) cho rằng thông tin KT nghèo nàn sẽ là một đe dọa cho khả năng cạnh tranh của các tổ chức. Gelinas (2012) cho biết thông tin KT được sử dụng để giúp người dùng đưa ra quyết định có ích, vì vậy, CLTT BCTC, dĩ nhiên là cần thiết để các nhà đầu tư tạo ra một thị trường hiệu quả (Kieso & ct g, 2007). CL thông tin do KT cung cấp được coi như là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đảm bảo sự an toàn và khả năng mang lại hiệu quả cho các quyết định kinh doanh (Nguyễn Thị Kim Cúc, 2014).
Về khía cạnh thực tiễn, đã có rất nhiều sự kiện liên quan đến BCTC kém CL và điều này gây tác động nghiêm trọng đến thị trường tài chính và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Năm 2002, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Hoa kỳ đã phạt Xerox- một công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp quản lý tài liệu tại Hoa Kỳ vì những sai lệch của thông tin trình bày trên BCTC. Cụ thể, doanh thu của Xerox đã bị khai khống thêm hơn 3 tỷ USD, dẫn đến lợi nhuận trước thuế tăng thêm 1,5 tỷ USD. Trường hợp kế tiếp là của công ty viễn thông đường dài lớn thứ hai Hoa Kỳ WorldCom. Cho đến tháng 6 năm 2002, ban kiểm toán nội bộ WorldCom phát hiện công ty này che giấu khoản chi phí 3,8 tỷ USD kể từ năm 2001, đồng thời, lợi nhuận 1,4 tỷ USD năm 2001 và 130 triệu USD trong quý 1 năm 2002 đều là báo cáo sai (Genk.vn, 2012). Health South Corporation- một tổ chức cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ đã gặp phải vụ bê bối tài chính có quy mô lớn, theo đó người sáng lập của công ty đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền, sửa chữa thổi phồng các số liệu doanh thu, điều chỉnh các số liệu KT với mức độ phóng đại lãi ròng lên tới 1,4 tỉ USD. Mới đây, các cơ quan chức năng tại Nhật Bản đã phát hiện liên tục trong hàng chục năm gần đây, ban lãnh đạo của tập đoàn Toshiba đã chủ định sử dụng thủ thuật KT để thổi phồng lợi nhuận bằng nhiều cách để làm đẹp BCTC nhằm mục đích che giấu những khoản lỗ do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đồng thời đánh lạc hướng nhà đầu tư. Chỉ tính trong khoản thời gian từ 2008-2014, tập đoàn Toshiba đã khai khống doanh thu lên đến 1,2 tỷ đô la Mỹ (Ngọc Khuê, 2015).
Tại Việt Nam, rất nhiều các vụ việc xảy ra trong khoản thời gian gần đây gây ra tác động không nhỏ đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng vào CLTT BCTC của các DN, đặc biệt là các DN niêm yết (Trần, 2009). Các DN thường khai cao doanh thu và thu nhập, ghi giảm chi phí trên BCTC. Việc ghi giảm chi phí thường thực hiện thông qua vốn hóa chi phí, không trích lập đầy đủ dự phòng, đặc biệt là dự phòng giảm giá đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi,…(Trần, 2009; Trần 2012). Điển hình là trường hợp của công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết, báo cáo kiểm toán năm 2007 do Công ty Kiểm toán và dịch vụ Tin học AISC thực hiện thông báo lãi 2,25 tỷ đồng, nhưng sau đó cũng chính công ty này kiểm toán lại có kết quả lỗ 6,8 tỷ đồng (Hồng Sương, 2008). Trước đó, công ty cổ phần Viglacera Từ Sơn đã nhầm lẫn về việc công bố kết quả kinh doanh quý 3-2007. Theo đó, sau khi t rung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố thông tin tổng lợi nhuận quý 3-2007 của Viglacera Từ Sơn gần 1,3 tỉ đồng thì nhà đầu tư phát hiện lợi nhuận quý 3 chỉ ở mức 600 triệu đồng (Hồng Sương, 2008). Đối với công ty Bibica, việc che dấu khoản lỗ trên BCTC năm 2002 được thực hiện bằng cách ghi nhận vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang phần chi phí hoạt động kinh doanh trong kỳ là 5,565 tỷ đồng và ghi nhận sai doanh thu 1,337 tỷ đồng. Bibica công bố lỗ năm 2002 là 2,7 t ỷ đồng rồi sửa thành 5,4 tỷ đồng sau vài ngày và con số lỗ thực tế được công bố sau đó lên đến 12,7 tỷ đồng. BCTC kém CL cũng được đề cập cho trường hợp công ty đồ hộp Hạ Long, theo kết quả điều tra, hơn 100 tỷ đồng trong phần doanh thu của năm 2001 là con số ảo (Phạm & Vương, 2009).BCTC không đảm bảo CL đã gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với thị trường tài chính và nền kinh tế. Các nghiên cứu cho thấy gian lận về KT dẫn đến CLTT BCTC không được đảm bảo là một trong những nguyên nhân chính yếu dẫn đến khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008-2009 (Nguyễn, 2010). Sự kiện Enron đã gây nhiều thiệt hại cho các công ty tín dụng, bảo hiểm, năng lượng, ngân hàng trên thế giới (ít nhất 5 tỷ USD) do đã đầu tư hoặc kinh doanh với Enron. Đối với các công ty tài chính ở Nhật Bản, vụ đổ bể của Enron làm cho họ thiệt hại 8 tỷ USD. Ảnh hưởng của vụ Enron cũng lan sang các nước phía bờ kia của Thái Bình Dương khi các công ty đại gia như Roll Royce của Anh và tập đoàn truyền thông Kirch cũng như các đồng nghiệp Mỹ, đang phải đối diện với các vấn đề liên quan đến giá trị thật của cổ phiếu (Trùng Quang, 2002). Tại Nhật Bản, việc trình bày thông tin sai lệch trên BCTC đã làm tập đoàn Toshiba đang phải đối mặt với mức phạt từ 2,4 tỉ đến 3,2 tỉ USD và quan trọng nhất là đã gây ảnh hưởng tiêu cực cho hình ảnh của một trong những thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản. Giá trị cổ phiếu của Toshiba đã giảm khoảng 23% kể từ khi vụ việc bắt đầu được kiểm tra hồi đầu tháng 4/2015. Sai lệch thông tin trên BCTC của WorldCom là một trong những nguyên nhân làm giá trị cổ phiếu WorldCom từ đỉnh 63,5 USD/cổ phiếu vào ngày 18/6/1999 đã lao dốc xuống 6,74 USD/cổ phiếu và tiếp tục giảm chỉ còn 20 cent/cổ phiếu cho đến khi tuyên bố phá sản vào đêm 21/7/2002 (Genk.vn, 2012). Tại Việt Nam, BCTC không đảm bảo CL đã làm cho lòng tin của nhà đầu tư cũng như hình ảnh của các DN bị ảnh hưởng. Sau khi gian lận BCTC bị phát hiện, cổ phiếu của các công ty Bông Bạch Tuyết, đồ hộp Hạ Long đã bị đình chỉ giao dịch trên TTCK trong một khoản thời gian nhất định. UBCKNN cũng đã đưa ra quyết định đình chỉ hoạt động kiểm toán của Công ty dịch vụ tư vấn tài chính KT và kiểm toán AASC đối với các BCTC năm 2002 của Công ty cổ phần Đồ hộp Hạ Long ,…
Xem xét về vai trò và thực trạng của CLTT trong các tổ chức, tác giả kết luận rằng vấn đề CLTT KT nói chung và CLTT BCTC nói riêng hiện diện rộng khắp các tổ chức và là một trong những nhân tố quyết định sự sống còn của các tổ chức trong nền kinh tế tri thức hiện nay. Nguyễn & Hoàng (2012) trong một nghiên cứu về mức độ công bố thông tin của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM cho thấy hạng mục thông tin được tự nguyện công bố khá ít, nội dung một số thông tin không cụ thể, không chi tiết; CL tự nguyện công bố thông tin không cao, các hạng mục thông tin được tiết lộ chủ yếu mô tả định tính như công bố về những thông tin chiến lược, còn những thông tin mang tính chất định lượng rất ít,…Nguyễn (2014) trong một nghiên cứu khảo sát về CLTT KT tại các DN Việt Nam cho thấy CLTT KT vẫn còn khá nhiều hạn chế thể hiện ở việc tổ chức thông tin KT chưa được thực hiện có tính hệ thống; nội dung lạc hậu, trùng lắp; các phương pháp kỹ thuật vận dụng rất đơn giản, chưa chú ý đến khai thác các phương tiện, kỹ thuật xử lý thông tin hiện đại; chưa tạo được sự kết nối, tính ổn định; báo cáo KT phục vụ quản lý chưa đầy
đủ, nội dung còn đơn giản, mang tính rời rạc; chưa có sự thống nhất, phân tích sâu sắc về tình hình kinh doanh cho các công ty, vì vậy, thông tin do các báo cáo KT mang lại cho nhà quản lý còn hạn chế. Không khó để nhận thấy ở nhiều DN niêm yết, để làm đẹp những số liệu trên BCTC, kế toán đã dùng nhiều thủ thuật kế toán để chế biến số liệu (An Hà, 2012).Xuất phát từ thực trạng trên, tác giả cho rằng nghiên cứu hướng đến việc tìm hiểu về CLTT BCTC, xác định các nhân tố tác động đến CLTT BCTC, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm gia tăng CLTT BCTC trong các DN t ại Việt Nam là một vấn đề cần thực hiện và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.