ThS31_017_Các biện pháp quản lý hoạt động tự học của học sinh trường văn hoá i – bộ công an
1. Lý do chọn đề tài
Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã quyết định: “Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng xã hội công bằng văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [11, tr.6]. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, cần phải xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, xứng đáng là công cụ của Đảng, đảm bảo giữ vững an ninh trật tự của tổ quốc.
Chất lượng và sức mạnh của lực lượng CAND là tổng hợp của nhiều yếu tố tạo thành, trong đó phẩm chất và năng lực của cán bộ là vô cùng quan trọng. Phẩm chất và năng lực của người chiến sĩ Công an được hình thành và phát triển trong quá trình đào tạo, trong công tác và thực tiễn chiến đấu. Tính độc lập, sáng tạo, năng động, thích ứng, thận trọng, khôn khéo, chính xác trong tư duy và hành động nghề nghiệp là phẩm chất, năng lực trực tiếp quyết định đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ Công an. Chúng có mối quan hệ chặt chẽ với năng lực tự học của học
sinh, sinh viên ngay từ trong thời gian đào tạo tại các trường trong ngành.
Là một trường trong lực lượng CAND, trường Văn hoá I được Bộ Công an giao nhiệm vụ đào tạo hoàn thiện văn hoá THPT, đồng thời hướng nghiệp theo ngành Công an cho học sinh người dân tộc thiểu số, tạo nguồn cán bộ cho Công an các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc. Công tác đào tạo của trường không chỉ trang bị cho học sinh kiến thức phổ thông mà còn rèn luyện thói quen lao động trí óc, khả năng suy nghĩ, phán đoán độc lập, rèn luyện phẩm chất tự giác, tự giáo dục, ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật nghiêm ngặt của ngành theo điều lệnh CAND, xây dựng thái độ, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng tự hoàn thiện bản thân cho mỗi học sinh.
Như vậy, năng lực tự học của học sinh vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo. Tự học là hình thức học tập không thể thiếu được của mọi học sinh đang học tập tại trường. Tổ chức hoạt động tự học một cách hợp lý, khoa học, có chất lượng, hiệu quả là trách nhiệm của giáo viên, học sinh và toàn bộ lực lượng giáo dục trong nhà trường.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tự học, trong những năm qua nhà trường luôn quan tâm đến quản lý hoạt động tự học của học sinh. Tuy nhiên, chất lượng tự học của học sinh còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội và của ngành. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng cử tuyển đầu vào thấp, học sinh chưa có kỹ năng và phương pháp học tập khoa học, hợp lý. Trong khi đó, việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên còn chậm, chủ yếu vẫn là truyền thụ kiến thức trong chương trình, chưa tập trung nhiều đến đổi mới phương pháp dạy học. Công tác quản lý hoạt động tự học chủ yếu vẫn là quản lý hành chính, chưa thực sự có hình thức tổ chức và biện pháp quản lý phù hợp.
Từ những tồn tại trên, việc tìm ra các biện pháp quản lý để nâng cao chất lượng tự học của học sinh nhà trường là nhiệm vụ hết sức cấp thiết đối với trường Văn hoá I trong giai đoạn hiện nay. Do đó chúng tôi chọn đề tài: “Các biện pháp quản lý hoạt động tự học của học sinh trường Văn hoá I – Bộ Công an”