ThS31_084_Biên soạn địa lý huyện định hóa tỉnh thái nguyên phục vụ dạy học địa lý địa phương lớp 9 trên địa bàn huyện
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Địa lý địa phương (ĐLĐP) là một bộ phận của địa lý đất nước, bao gồm địa lý các cấp tỉnh, thành phố, huyện, thị xã hoặc một địa khu cụ thể. Việc nghiên cứu ĐLĐP giúp ta tìm hiểu và đánh giá tiềm năng các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, dân cư và xã hội của mỗi địa phương. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của con người đối với quê hương mình đồng thời chuẩn bị cho thế hệ trẻ hành trang trên đường lập nghiệp trong tương lai. Với vai trò to lớn đó, địa lý địa phương ngày càng được coi trọng trong chương trình và sách giáo khoa (CT&SGK) Địa lý trong trường phổ thông.
Trước đây, việc dạy học địa lý địa phương trong trường phổ thông tỉnh Thái Nguyên chưa được coi trọng đúng mức; hiện nay đã được chú ý nhiều hơn, nhất là từ khi CT&SGK mới dành 4 tiết với ĐL 9 và 2 tiết với ĐL 12 dành cho địa lí cấp tỉnh, thành phố. Việc biên soạn và xuất bản tập tài liệu “Địa lý tỉnh Thái Nguyên” của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thái Nguyên và “Địa lý tỉnh Thái Nguyên” của các nhà giáo Trịnh Trúc Lâm (chủ biên), Nguyễn Quận [16] là bước khởi đầu quan trọng cho nghiên cứu địa lí tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, so với yêu cầu về đổi mới CT&SGK cũng như đổi mới phương pháp dạy học (PPDH), tập tài liệu này cũng còn nhiều hạn chế, bất cập trước những thay đổi của công cuộc đổi mới và hội nhập.
Mặt khác, thực tế dạy học địa lý địa phương ở một số huyện của tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu vùng xa còn rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên; đó là thiếu tài liệu với tư cách như là một cuốn sách giáo khoa cần thiết về ĐLĐP, thiếu thiết bị và đồ dùng dạy học, trình độ dân trí nói chung còn thấp và năng lực nhận thức của học sinh nhiều hạn chế. Đại bộ phận học sinh ở các huyện đều thuộc vùng dân tộc thiểu số và khu vực đặc biệt khó khăn (ĐBKK); cơ sở vật chất còn thiếu thốn, quỹ thời gian dành cho lao động nhiều hơn là dành cho
việc học hành; đời sống nông thôn nghèo nàn không đủ điều kiện đầu tư cho con em theo học. Do đó việc nhận thức về ĐLĐP với các em cũng xa lạ và trừu tượng không kém gì kiến thức địa lý về đất nước và thế giới. Việc liên hệ thực tiễn gần gũi như trong địa bàn huyện, xã, thị trấn quê hương trong quá trình nhận thức cũng gặp không ít khó khăn.
Trên thực tế, hầu hết học sinh sống ở nông thôn, rất ít, thậm chí không có đủ điều kiện về tỉnh, đến thành phố và cả địa bàn các huyện khác để nghiên cứu, tìm hiểu, những nội dung theo yêu cầu của CT&SGK. Mặt khác khi dạy về ĐLĐP, phần lớn GV và HS đều thiếu tài liệu về ĐLĐP; họ mong muốn có một cuốn SGK tham khảo (nhất là tài liệu ĐLĐP cấp huyện).Vì vậy, trong giờ học trở nên phiến diện, chiếu lệ, khiên cưỡng; học sinh không có hứng thú học tập, hiệu quả giờ học không cao.
Bên cạnh đó, với đặc thù của bộ môn Địa lý là phải có bản đồ song các phương tiện, thiết bị dạy học phục vụ cho dạy học ĐLĐP hầu như không đầy đủ, đặc biệt là bản đồ giáo khoa, mô hình địa lý. Đây là một trong những trở ngại rất lớn để thực hiện việc đổi mới PPDH theo hướng tích cực. Thực trạng trên đòi hỏi sự cần thiết phải nghiên cứu, biên soạn tài liệu ĐLĐP cấp huyện (cụ thể là huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên) nhằm cung cấp kiến thức ĐLĐP, làm phong phú nội dung bài giảng của giáo viên, đặc biệt nhằm nâng cao hiệu quả giờ học cũng như chất lượng giáo dục nói chung. Trên cơ sở đó sẽ tạo cho HS có hứng thú học tập, làm tăng tình yêu quê hương đất nước; chuẩn bị cho họ năng lực lập thân lập nghiệp cũng như góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững cho quê hương và cho đất nước.
Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi đã lựa chọn đề tài nghiên cứu: “Biên soạn địa lý huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên phục vụ dạy học Địa
lý địa phương lớp 9 trên địa bàn huyện”. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Khoa Sau đại học, Khoa Địa lý trường ĐHSP Thái Nguyên, các cơ quan ban ngành của huyện Định Hóa đã giúp đỡ trong việc triển khai đề tài. Chúng tôi bày tỏ lòng chân thành cám ơn TS Vũ Như Vân, người hướng dẫn khoa học của luận văn này