ThS31_043_Biện pháp quản lý nhằm tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo của các trường nghề ở tỉnh nam định
TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
Toàn cầu hóa và hội nhập là xu thế tất yếu. Việt Nam đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), quá trình này không có chuyện nước lên thì thuyền lên mà đó là sự hợp tác trong cạnh tranh quyết liệt. Điều kiện để nước ta thành công trong cuộc đấu tranh này là phải có một đội ngũ nhân lực đủ sức đương đầu với cạnh tranh và hợp tác. Giáo dục đào tạo có vai trò then chốt trong phát huy nguồn lực con người, cần phải đảm đương cho được sứ mệnh đào tạo ra những người lao động có khả năng thích ứng với những thay đổi công nghệ, những biến động của việc làm, sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế.
Nhận thức được vấn đề, vài năm trở lại đây, nước ta xây dựng phát triển mạnh hệ thống các trường nghề, các trường kỹ thuật, mục đích là nhanh chóng đạt chuẩn khu vực và quốc tế để không ngừng tăng cường nguồn nhân lực cho thị trường trong nước và khả năng cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Theo Điều 6 của Luật dạy nghề năm 2006, dạy nghề gồm có ba cấp trình độ đào tạo là sơ cấp (SC) nghề, trung cấp (TC) nghề, cao đẳng (CĐ) nghề. Mỗi năm, hệ thống cơ sở dạy nghề trong cả nước đào tạo ra hàng triệu người lao động có kỹ năng nghề nghiệp nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Căn cứ “kế hoạch tuyển sinh dạy nghề giai đoạn 2008 – 2020” thì tổng số tuyển sinh của CĐ, TC nghề và dạy nghề dưới 1 năm như sau: năm 2008 là 1.482.000, năm 2009 là 1.700.000, năm 2010 là 2.000.000, năm 2015 là 2.430.000, năm 2020 là 2.550.000 [12, tr.20]. Về mặt số lượng tuy khá dồi dào như vậy nhưng năng lực của người lao động không phải lúc nào cũng đáp ứng, đặc biệt nhân sự cao cấp, các chuyên gia có kinh nghiệm và khả năng quản lý,…đang ở trong tình trạng cung thấp xa so với cầu. Qua tìm hiểu bước đầu của
chúng tôi, có không ít người lao động sau khi tốt nghiệp trường nghề chưa thích ứng ngay được với sản xuất. Hệ quả là lãng phí nguồn ngân sách đào tạo của nhà nước; cơ hội tìm kiếm được việc làm phù hợp với trình độ đã được đào tạo của người lao động thấp; nhiều doanh nghiệp (DN) để có nguồn nhân lực theo mong muốn, sau khi tuyển lao động về phải cho đi đào tạo lại, rất mất thời gian, tiền bạc.
Kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương II khóa VIII, kết luận của Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành Trung ương khóa IX đã chỉ rõ: “Các bất hợp lý trong cơ cấu đào tạo chưa được khắc phục, chưa sát nhu cầu sử dụng và mục tiêu đào tạo, chất lượng và hiệu quả đào tạo thấp. Phát triển giáo dục chưa gắn chặt với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và từng địa phương” [4, tr.19-20]. Một trong những nguyên nhân của yếu kém này là: “Việc kết hợp giáo dục giữa nhà trường với gia đình, xã hội với lao động sản xuất, đời sống, học đi đôi với hành còn rất hạn chế. Nội dung giảng dạy còn quá cũ về mặt lý thuyết” [5, tr.23].
Để khắc phục tình trạng trên, người hiệu trưởng cần có biện pháp quản lý phù hợp nhằm giúp cho trường nghề và các đơn vị sử dụng người lao động phối hợp chặt chẽ với nhau trong đào tạo nguồn nhân lực. Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, chúng tôi đã chọn vấn đề:“Biện pháp quản lý nhằm tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo của các trường nghề ở tỉnh Nam Định” làm đề tài nghiên cứu.
2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, đề xuất một số biện pháp quản lý nhằm tăng cường hợp tác giữa trường nghề với DN góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở tỉnh Nam định nói riêng và cả nước nói chung trong giai đoạn hiện nay