ThS31_065_Biện pháp phối hợp quản lý hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trung học phổ thông của BCH Công đoàn giáo dục tỉnh Quảng Ninh
1. Lý do chọn đề tài
Ngày nay, mọi quốc gia trên thế giới đều nhận thức được vai trò then chốt của giáo dục và đào tạo trong việc xây dựng chiến lược con người nhằm củng cố an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đất nước.
Ở Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH được thông
qua tại Đại hội VII của Đảng đã xác định: “Giáo dục và đào tạo cùng khoa học và công nghệ, phải được xem là quốc sách hàng đầu”. Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành trung ương khoá VIII đã khẳng định: Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là “ khâu đột phá” của thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã chỉ rõ mục tiêu là “Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Để thực hiện được mục tiêu đó phải đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam làm cho giáo dục và đào tạo cùng khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu. Trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang trong quá trình công nghiệp hoá,
hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, có sự biến đổi nhảy vọt về trình độ khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật. Giáo dục – Đào tạo đang có nhiều cơ hội, đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức mới.
Ngành Giáo dục – Đào tạo của cả nước nói chung và của từng tỉnh, thành phố nói riêng phải tìm ra phương hướng và giải pháp để đạt mục đích nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Để đáp ứng những biến đổi to lớn không ngừng xảy ra trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá và xã hội.v.v.. vai trò và chức năng của người giáo viên càng nặng nề hơn. Điều 15 Luật Giáo dục 2005 đã chỉ rõ: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục”.
Từ yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay, hoạt động của giáo viên các trường THPT phải hướng tới giúp học sinh học tập tích cực, chủ động.
sáng tạo, từ bỏ thói quen học tập thụ động, ghi nhớ máy móc; Phải đổi mới các hình thức tổ chức dạy học, chuyển từ dạy học hướng vào người dạy sang dạy học hướng vào người học (người học là trung tâm, là chủ thể nhận thức và hành động), dạy học theo nhóm, hoặc tương tác giữa các cá nhân; Đa dạng hoá các hình thức tổ chức dạy học, làm cho việc học trở nên sinh động, thân thiện; Gắn việc học tập trong sách vở và nhà trường với cuộc sống thực tiễn, kinh nghiệm sống của cá nhân người học, giúp cho học sinh vận dụng kiến thức đã học ở THPT tiếp tục học cao hơn hoặc để lao động sản xuất. Yêu cầu đổi mớí trong giáo dục THPT hiện nay là việc làm hết sức quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên có hiệu quả thiết thực. Ở Quảng Ninh, mặc dù đội ngũ giáo viên cơ bản đạt chuẩn trình độ đào tạo song việc bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đổi mới sự nghiệp GD & ĐT ở tỉnh Quảng Ninh còn có hạn chế như: Quy trình quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo viên chưa thực hiện chặt chẽ, mang tính hình thức; Chưa nắm hết nhu cầu của giáo viên trong việc bỗi dưỡng; Cách đánh giá kết
quả bồi dưỡng giáo viên chưa sát và chưa tạo động lực để thúc đẩy giáo viên tích cực học tập nâng cao chất lượng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; Giữa cơ quan quản lý chuyên môn và các đoàn thể mà cụ thể là tổ chức Công đoàn chưa có sự phối hợp chặt chẽ và còn nhiều bất cập vì vậy hiệu quả bồi dưỡng giáo viên chưa cao.
Với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam được quy định tại Điều 10- Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, tại Luật Công đoàn
Việt Nam; với chức năng của tổ chức Công đoàn ngành nghề và với yêu cầu đối mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn Giáo dục, Ban chấp hành Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh thấy cần thiết phải tham gia quản lý hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trên địa bàn tỉnh góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 40 CT/ TW của Ban Bí thư về “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” của tỉnh Quảng Ninh.
Với lý do trên, tôi chọn đề tài “Biện pháp phối hợp quản lý hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trung học phổ thông của BCH Công đoàn giáo dục tỉnh Quảng Ninh” nhằm đề xuất các biện pháp có tính khả thi góp phần cùng Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý có hiệu quả hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh