ThS31_125_Biện pháp phát triển đội ngũ giảng viên trường đại họcTây Nguyên
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ, xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ X, báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, một lần nữa khẳng định: “Phấn đấu xây dựng nền giáo dục hiện đại,
của dân, do dân và vì dân… Ưu tiên hàng đầu cho việc nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên…” Đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục giai đoạn 2005 – 5010” của Chính phủ, xác định mục tiêu tổng quát là xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục theo hướng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Đồng thời chỉ ra nhiệm vụ tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện và thực hiện chính sách ưu đãi đối với nhà giáo và CBQL giáo dục, khuyến khích đội ngũ nhà giáo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Những bất cập về quản lý ĐNGV trong nền kinh tế thị truờng, những vấn đề mới về lý luận quản lý ĐNGV khi Việt Nam đã gia nhập WTO và khi Đảng ta cho phép nước ngoài đầu tư vào GD, đòi hỏi phải bổ sung về lý luận quản lý ĐNGV và đòi hỏi phải cụ thể hoá lý luận này trong từng trường học, bậc học, cấp học.
Trường Đại học Tây nguyên được thành lập theo quyết định số: 298/CP ngày 11 tháng 11 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ, với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực đa dạng, phong phú, có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng Tây Nguyên thành một vùng giàu có về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng. Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, ngày nay Trường ĐHTN đã có đội ngũ cán bộ có trình độ đại học và trên đại học lớn mạnh nòng cốt trong các lĩnh vực Nông – Lâm – Công nghiệp – Kỹ thuật – Sư phạm – Y học, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực Tây Nguyên. Trong những năm qua trường đã có nhiều chính sách như: giữ sinh viên giỏi ở lại Trường đào tạo làm giảng viên; tiếp nhận cán bộ từ nơi khác có trình độ cao, chuyên môn giỏi… tuyển chọn nhiều viên chức có năng lực, đạo đức, tác phong chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu công tác.
Trong giai đoạn phát triển mới, trường Đại học Tây Nguyên đã mở rộng quy mô đào tạo, mở thêm nhiều mã ngành mới nên số lượng sinh viên tăng lên rất nhanh, từ 7.321 sinh viên năm 2006 đã tăng lên 17.297 sinh viên vào năm 2010. Chính vì vậy, việc phát triển đội ngũ giảng viên của Trường là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi những người làm công tác tổ chức phải nghiên cứu nghiêm túc các vấn đề về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả đội ngũ giảng viên.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có công trình nghiên cứu về công tác phát triển đội ngũ giảng viên ở Trường Đại học Tây Nguyên. Vì vậy, “Biện pháp phát triển đội ngũ giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên” được tác giả lựa chọn làm vấn đề nghiên cứu