LA35.002_Biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
Làng Việt truyền thống là một đơn vị tụ cư cổ truyền lâu đời ở nông thôn có tính ổn định và gắn bó trong tiến trình lịch sử dân tộc. Mặc dù quy mô khác nhau, song các làng Việt có nhiều đặc điểm chung trong bức tranh tổng thể về làng quê ở châu thổ Bắc Bộ nước ta. Trong các làng đó đã hình thành, tồn tại và phát triển các làng nghề truyền thống, là một phần không thể thiếu trong tính đa dạng của làng xã Việt Nam. Các làng nghề truyền thống biểu hiện tính năng động, sáng tạo của người nông dân làm nghề trong quá trình thích ứng với điều kiện địa lý, kinh tế xã hội nhất định, đồng thời thể hiện rất rõ yếu tố mở của xã hội tiểu nông. Phát triển làng nghề không những tạo động lực trực tiếp giải quyết việc làm, sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn lao động ở nông thôn mà còn giúp bảo tồn, duy trì và phát triển được nhiều ngành nghề truyền thống của dân tộc, tạo điều kiện và cơ hội phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, bảo lưu và giữ gìn văn hóa dân tộc. Trong làng nghề
truyền thống từ xưa đến nay, văn hóa truyền thống được biểu hiện, hội tụ và toả sáng qua các khía cạnh như: thuần phong mỹ tục, sinh hoạt xóm làng, đoàn kết cộng đồng, ứng xử cộng đồng, tinh hoa nghề nghiệp và tài năng nghệ nhân…
Trong những năm qua, làng nghề truyền thống đang từng bước được phục hồi và phát triển, sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các làng nghề phát triển sẽ là cầu nối giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa nông thôn và thành thị, giữa truyền thống và hiện đại góp phần phát triển công nghiệp nông thôn hiện đại. Biến đổi văn hoá nói chung, biến đổi văn hoá làng và văn hoá làng nghề nói riêng đang là một xu hướng tất yếu của lịch sử thời đại, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, sự biến đổi văn hoá là một trong những yếu tố làm thay đổi diện mạo của các làng nghề truyền thống ở nước ta. Đồng thời, biến đổi văn hoá chính là điều kiện để các làng nghề có thể thay đổi, tồn tại và phát triển theo quy mô, mức độ khác nhau.
Đây là quy luật khách quan và diễn ra trên nhiều phương diện của đời sống vật chất và đời sống tinh thần trong cộng đồng cư dân của các làng nghề.
Bắc Ninh là vùng đất văn hiến, nơi phát tích vương triều nhà Lý, một miền quê trù phú với những làn điệu dân ca quan họ, là địa phương cận kề thủ đô Hà Nội, có điều kiện để phát triển, đặc biệt là việc phát triển các làng nghề truyền thống. Những thống kê bước đầu cho biết, Bắc Ninh là một trong các tỉnh có 62 làng nghề, trong đó có 16 làng nghề truyền thống với những sản phẩm nổi tiếng như đồ gỗ mỹ nghệ (Phù Khê), giấy dó (Dương Ổ), dệt (Hồi Quan), đồ đồng (Đại Bái), tranh dân gian (Đông Hồ), gốm (Phù Lãng), tơ tằm (Vọng Nguyệt)… Trong xu thế chung hiện nay, các làng nghề truyền thống đã có những biến đổi rõ rệt , có nhiều làng nghề chuyển đổi sản xuất sản phẩm, công cụ tạo sản phẩm và tư duy thợ làm nghề…, tiêu biểu như trường hợp làng nghề giấy dó (Dương Ổ), tranh dân gian (Đông Hồ)… Có thể nói, trong những năm qua, do sự thay đổi tư duy làm nghề, mãu mã cùng chấ t lượng sản phẩm phong phú đa dạng, sự thích ứng về thị trường, các làng nghề truyền thống đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thay đổi diện mạo nông thôn ở Bắc Ninh. Nhiều sản phẩm của làng nghề đã và đang có mặt trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng vào việc quảng bá văn hóa làng nghề truyền thống ra nước ngoài.
Thực tế, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay đã và đang tạo ra những tác động, cơ hội và thách thức to lớn đến đời sống của người dân ở làng xã nông thôn nói chung cũng như ở làng nghề truyền thống tại Bắc Ninh nói riêng. Quá trình này về bản chất chính là quá trình đô thị hoá nông thôn dẫn đến những hệ quả tất yếu sẽ diễn ra tại làng nghề truyền thống hiện nay. Nhiều làng nghề không còn hoạt động hoặc bị mai một do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong khi đó các làng nghề vẫn đang chuyển hoá để tồn tại và phát triển. Để duy trì và phát triển làng nghề, người dân luôn phải thay đổi mẫu mã sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến trong một số công đoạn có thể, tìm kiếm và mở rộng thị trường… đáp ứng nhu cầu của người dân thời đại mới. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ tạo ra những thay đổi khá lớn trong các làng nghề truyền thống như: quan niệm về nghề truyền thống, thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, mẫu mã sản phẩm đa dạng,quan hệ làng xóm được mở rộng đến các bạn hàng trong và ngoài nước… Tính chất truyền thống của làng nghề gắn với kỹ năng, kỹ xảo, bí quyết nghề nghiệp đang tồn tại trong nền kinh tế thị trường cùng những nhân tố đã tác động đến quá trình biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống đang diễn ra ở nhiều mức độ biến đổi khác nhau. Do vậy, văn hoá làng nghề truyền thống hiện nay đang đứng trước những cơ hội, thách thức mới cùng với các tác động không nhỏsẽ đưa các làng nghề truyền thống này tồn tại ở nhiều tình trạng khác nhau. Song trong bối cảnh chung, bức tranh toàn cảnh về các làng nghề và văn hoá làng nghề truyền thống sẽ có nhiều biến đổi để phù hợp với thời đại và mang lại một diện mạo mới trong bối cảnh phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội ở Bắc Ninh hiện nay.
Cho đến nay, đã có nhiều công trình đề cập đến văn hoá ở các làng nghề tại tỉnh Bắc Ninh, song vẫn chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu về biến đổi văn hoá của các làng nghề truyền thống tại địa phương này. Việc tìm ra những yếu tố biến đổi trong văn hoá làng nghề truyền thống ở Bắc Ninh sẽ giúp ích cho các nhà quản lý địa phương trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách
phù hợp với thực trạng của các làng nghề truyền thống hiện nay. Chính vì những lý do trên, tác giả đã lựa chọn nghiên cứu đề tài: “Biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” làm luận án Tiến sĩ, chuyên ngành Văn hóa học tại Trường Đại học Văn hoá Hà Nội