LA35.013_Biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay
1. Lí do lựa chọn đề tài
1.1. Để tồn tại và phát triển, bất cứ cộng đồng xã hội nào cũng cần đến một không gian sinh tồn. Trong không gian ấy, con người tồn tại với tư cách là một chủ thể văn hóa: tương tác với tự nhiên và xã hội; lựa chọn các mô hình sản xuất; định hình các khuôn mẫu ứng xử; tiếp nhận, sáng tạo và trao truyền các giá trị nhằm đảm bảo tính liên tục văn hóa cho cá nhân và cộng đồng. Bởi lẽ văn hóa ra đời trên nền tảng của không gian sinh tồn, cho nên, đối với một cộng đồng, không gian sinh tồn cũng đồng thời là không gian văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà Clyde Kluckhohn – nhà văn hóa học nổi tiếng người Mỹ cho rằng: văn hóa của một cộng đồng được phản chiếu qua không gian sống của họ [102]. Còn theo Francoise P. Lévy và Marion Segaud thì “tất cả mọi xã hội, đều có mối quan hệ với không gian của họ;… chúng đều được thể hiện bởi tổ chức không gian của chính mình” [52, tr.140-141].
1.2. Trong các loại hình không gian văn hóa mà con người đã sáng tạo nên, có lẽ, làng là loại hình không gian lâu đời và phổ biến hơn cả. Dường như ở đâu có nông thôn, nông nghiệp, nông dân thì ở đó có làng và không gian làng. Với một đất nước có truyền thống “trọng nông” như Việt Nam, dấu ấn của làng trong đời sống xã hội càng đậm nét. Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, các học giả trong và ngoài nước, dù đứng từ góc độ tiếp cận nào, đều có chung một nhận định: làng là không gian văn hóa cơ bản và đặc trưng nhất của quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Thật vậy, tuy khác nhau về nguồn gốc, ngôn ngữ, địa bàn cư trú và lối sống, nhưng giá trị văn hóa của từng nhóm tộc người trên lãnh thổ Việt Nam đều được phản chiếu trong không gian làng của họ. Vì thế, theo cách diễn đạt của nhà dân tộc học Từ Chi, nghiên cứu không gian văn hóa làng cho phép chúng ta tìm hiểu người Việt nói riêng và các tộc người ở Việt Nam nói chung “trong sức năng động lịch sử của nó, trong ứng xử cộng đồng và tâm lý tập thể của nó, trong các biểu hiện văn hóa của nó, cả trong những phản ứng của nó trước tình huống mà lịch sử đương đại đặt nó vào”[8, tr.226].
1.3. Tây Nguyên là một vùng đất độc đáo trong hệ thống lãnh thổ sinh thái – nhân văn của Việt Nam. Sau 1975, dưới tác động của hàng loạt nhân tố mới, Tây Nguyên đã trở thành một vùng đất hoàn toàn khác về điều kiện tự nhiên, kinh tế, dân số, cơ cấu dân tộc, cơ cấu tôn giáo so với trước 1975… Sự chuyển động của vùng đã tác động sâu sắc lên không gian buôn làng của các dân tộc tại chỗ, dẫn đến nhiều hệ quả phức tạp: sự xáo trộn không gian sinh tồn của nhóm dân tộc tại chỗ; nạn “chảy máu cồng chiêng” và suy thoái vốn văn hóa tộc người; đặc biệt, cải đạo đã trở thành một hiện tượng mang tính khu vực, thu hút đông đảo người Thượng tham gia (Thiên Chúa giáo, Tin Lành)… Những gì vừa nêu cho thấy rằng, để nhận thức thấu đáo hơn về thực tiễn Tây Nguyên nói chung và thực tiễn phát triển của nhóm dân tộc tại chỗ nói riêng, không thể tách các vấn đề văn hóa – xã hội của nhóm dân tộc tại chỗ ra khỏi bối cảnh biến đổi không gian buôn làng. Tuy nhiên, cho đến nay, các nghiên cứu được thực hiện theo hướng này vẫn còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Mặt khác, theo Lưu Hùng, từ trước đến nay “phần đông các tác giả thường đi vào một vài khía cạnh của xã hội buôn làng nói chung hoặc ở một tộc người nào đó, hay đề cập dưới dạng bao quát về buôn làng trong toàn khu vực Tây Nguyên”, cho nên, “đã đến lúc phải chú trọng nghiên cứu từng làng ở các
tộc người, các vùng khác nhau”[31, tr.128].
1.4. Buôn Ma Thuột (hay Ban Mê Thuột) là thành phố tỉnh lị của tỉnh Đắk Lắk. Tên gọi Buôn Ma Thuột có nguồn gốc từ tiếng Ê Đê: Buôn Ama Y Thuột (gọi tắt là Buôn Ma Thuột) – có nghĩa là làng của cha Thuột, vị tù trưởng có công lập ra buôn làng đầu tiên bên bờ suối Êa Tam (nằm ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột bây giờ). Trong bốn thập niên qua, vùng đất này đã tiến những bước dài trên lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày nay, Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên và dự kiến sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Có thể nói, trong kỷ nguyên thống nhất và đổi mới đất nước, nếu Tây Nguyên được xem là một trong những vùng biến đổi nhanh nhất của Việt Nam thì Buôn Ma Thuột là đại diện tiêu biểu nhất của một Tây Nguyên chuyển đổi. Đáng lưu ý là trong bối cảnh hiện nay, Buôn Ma Thuột cũng đối diện với những vấn đề chung của vùng Tây Nguyên, trong đó có các vấn đề văn hóa liên quan đến cộng đồng dân tộc tại chỗ.
1.5. Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung là quê hương lâu đời của người Ê Đê. Theo số liệu của Ủy ban dân tộc tỉnh Đắk Lắk, đến cuối năm 2014, dân số Ê Đê ở Đắk Lắk vào khoảng hơn 300.000 người, chiếm tỷ lệ vượt trội trong các dân tộc sở tại và đứng thứ hai trong nhóm tại chỗ của vùng Tây Nguyên (chỉ xếp sau dân tộc Ja Rai). Ở Đắk Lắk, người Ê Đê quần cư thành các nhóm địa phương: nhóm Kpă ở Buôn Ma Thuột, nhóm Adham ở phía Tây Bắc, nhóm Ktul phía Đông, nhóm Dliê và Ruê ở phía Đông Nam. Trong các nhóm này, nhóm Kpă không chỉ là nhóm “thuần chủng” nhất mà còn là nhóm tiếp xúc sớm và liên tục nhất với các chủ thể văn hóa bên ngoài. Bởi vậy, trong xu thế chuyển động chung của vùng Tây Nguyên từ sau 1975, sự biến đổi không gian buôn làng của cộng đồng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột mang ý nghĩa điển hình, là đối tượng lí tưởng cho các nghiên cứu theo hướng Văn hóa học. Trên bình diện lý thuyết, việc nghiên cứu đối tượng này cho phép chúng ta nhận ra mối liên hệ giữa biến đổi không gian buôn làng với biến đổi văn hóa tộc người, các xu hướng biến đổi khác nhau giữa các cộng đồng, cũng như các vấn đề đặt ra từ quá trình biến đổi ấy. Trên bình diện thực tiễn, quá trình khảo sát, phân tích đối tượng nghiên cứu có thể gợi ra một số ý tưởng thiết thực nhằm qui hoạch, bảo tồn không gian văn hóa buôn làng ở Buôn Ma Thuột nói riêng và ở Tây Nguyên nói chung theo hướng bền vững. Vì các lí do lí thuyết và thực tiễn như vậy, nghiên cứu sinh quyết định chọn Biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay làm đề tài nghiên cứu của luận án tiến sỹ