LA35.014_Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa người H„Mông thông qua du lịch cộng đồng ở bản Sín Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai
1. Lý do chọn đề tài
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bảo tồn di sản và phát triển du lịch là hai lĩnh vực dường như mâu thuẫn với nhau. Quan điểm này xuất phát từ nhận định: Sự có mặt của du lịch đã làm tan rã nhiều cộng đồng truyền thống và làm biến mất những phong tục cổ truyền của nhiều tộc người bản địa. Không những thế, xu hướng thương mại hoá do ảnh hưởng của phát triển du lịch đã khiến nỗ lực bảo tồn di sản văn hoá của các cộng đồng, đặc biệt các cộng đồng tộc người thiểu số, của ngành Văn hoá trở thành “dã tràng xe cát”. Tuy nhiên, nhiều học giả, tiêu biểu là Getz và MacCannell phản bác ý
kiến trên. Họ cho rằng, phát triển du lịch và bảo tồn di sản có thể hỗ trợ nhau cùng tồn tại, hay nói cách khác, đó là quan hệ đôi bên cùng có lợi. Như vậy, vấn đề nằm ở chỗ sử dụng cách thức khai thác du lịch cũng như cách thức khai thác di sản.
Thực tế cho thấy, phát triển du lịch dựa vào tiềm năng văn hoá là một hướng đi đã được khai thác và đúc kết thành một xu hướng phát triển du lịch, trong đó văn hoá là yếu tố nội sinh của du lịch. Phát triển du lịch là một phương thức để bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá truyền thống của cộng đồng, làm sống lại nền văn hoá truyền thống nhiều màu sắc của dân tộc. Bên cạnh đó, xu hướng này cũng bộc lộ một số hạn chế cần nghiên cứu giải quyết. Du lịch đang phát triển nhanh, được nhiều quốc gia xác định là “con gà đẻ trứng vàng” cho nền kinh tế, một ngành dịch vụ quan trọng hoặc mũi nhọn để phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội. Ngày nay xuất hiện nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái (ecotourism), du lịch dựa vào thiên nhiên (nature tourism), du lịch xanh (green tourism), du lịch văn hóa (culture tourism),… nhằm thỏa mãn nhu cầu du lịch của con người ngày một đa dạng. Du lịch có sự tham gia của cộng đồng (community – based tourism) tuy mới phát triển ở các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc vào những năm 1980 của thế kỷ XX, nhưng đã nhận được sự tham gia mạnh mẽ của khách du lịch các nước trên thế giới. Việt Nam với nhiều điều kiện thuận lợi về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng văn hóa, du lịch đang từng bước được khai thác và phát triển. Loại hình du lịch cộng đồng đã được triển khai tại một số địa phương và bước đầu thu được kết quả khả quan như bản Lác (Mai Châu – Hòa Bình của người Thái); Suối Voi, xã Lộc Tiên (Phú Lộc – Thừa Thiên Huế); làng Pác Ngòi (người Tày) và Làng Bò Lũ (người Dao) ở vườn quốc gia Ba Bể…, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa truyền thống.
Trong những năm gần đây, du lịch Lào Cai phát triển mạnh, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Mỗi năm các điểm du lịch cộng đồng thu hút hàng vạn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào địa phương. Sín Chải, một bản thuộc xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, là một tuyến trong hệ thống du lịch của Sa Pa. Đây là địa danh du lịch kì thú và là địa bàn cư trú chủ yếu của người H’Mông. Sín Chải chứa đựng nhiều điều kiện thuận lợi cả về cảnh quan thiên nhiên và tiềm năng nhân văn để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Trên thực tế, mô hình du lịch cộng đồng tại Sín Chải đang trong giai đoạn hình thành và phát triển bước đầu. Tuy nhiên, những tác động từ du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng đang có những biểu hiện ngày một rõ hơn tới đời sống kinh tế, xã hội cũng như truyền thống văn hóa của đồng bào H’Mông tại nơi đây. Bên cạnh đó, mô hình du lịch cộng đồng tại Sín Chải còn phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, thiếu đi tính bền vững. Điều này đặt ra những yêu cầu cấp thiết với việc nghiên cứu, đánh giá, định hướng nhằm phát triển du lịch cộng đồng đặt trong mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tộc người nói chung, người H’Mông tại Sín Chải nói riêng. Nhìn chung, du lịch cộng đồng ở Việt Nam mới chỉ tập trung chủ yếu vào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường tự nhiên, chưa thật sự quan tâm đến yếu tố bảo tồn văn hóa truyền thống. Trong khi đó, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc là nền tảng, nguồn lực tạo ra sản phẩm phục vụ phát triển du lịch thì chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ các Ban, Ngành, cơ quan, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, du lịch cộng đồng được xem như một giải pháp để giải quyết những bất cập này.
Tuy nhiên, từ lý thuyết đến sự phát triển du lịch cộng đồng trong thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Một loạt những câu hỏi đặt ra cần câu trả lời để phát triển du lịch cộng đồng ở một địa bàn cụ thể (như Sín Chải chẳng hạn) là: Văn hóa và du lịch có mối quan hệ với nhau như thế nào? Du lịch có thực sự góp phần bảo tồn hay phá vỡ các giá trị văn hóa của người dân địa phương? Cộng đồng địa phương có vai trò như thế nào trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của họ trước tác động của du lịch? Cộng đồng đã bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dưới tác động của du lịch như thế nào?… Để tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên, tác giả đã lựa chọn đề tài: Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa người H„Mông thông qua du lịch cộng đồng ở bản Sín Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai làm đề tài luận án tiến sĩ của mình, với hy vọng sẽ góp thêm những hiểu biết về người H’Mông cùng hoạt động du lịch, đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa quý báu của dân tộc, quảng bá giới thiệu nét văn hóa đặc sắc đến bạn bè, du khách trong nước và quốc tế