LA32.023_Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xét xử các vụ án hành chính ở Việt Nam
Lịch sử loài người đã trải qua nhiều hình thức nhà nước và pháp luật khác nhau, sự phát triển có xu hướng ngày càng tiến bộ, hướng tới trung tâm là con người và có sự cân bằng lợi ích của các bộ phận trong xã hội. Trong quá trình xây dựng và tổ chức hoạt động bộ máy nhà nước, người ta thường cho rằng về nguyên tắc thì các chính sách pháp luật của nhà nước đều phải xuất phát từ lợi ích của người dân. Nhưng nếu chỉ nói đến “lợi ích” thôi thì chưa đủ, mà còn phải nói đến quyền của các cá nhân công dân cũng như các tổ chức. Đây chính là một trong những điểm khác biệt căn bản giữa một nhà nước phong kiến với một nhà nước pháp quyền hiện đại. Một quốc vương thời phong kiến có thể chăm lo cho lợi ích của muôn dân vì lòng thương dân, hay chỉ đơn giản muốn chứng tỏ mình là một vị minh quân, nhưng với một nhà nước pháp quyền thì việc chăm sóc lợi ích của công dân, hoàn toàn không phải do tình thương hay sự tốt bụng mà trên hết đó là vì nghĩa vụ tôn trọng các quyền dân sinh và dân chủ của công dân mà nhà nước này đã cam kết bảo vệ thông qua bản hiến pháp.
Ở Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã mở ra một thời kỳ mới, có tính bước ngoặt cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng đất nước.Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011); Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020; Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là những dấu mốc lớn mang tính bước ngoặt trong nhận thức lý luận của Đảng ta về con người, quyền con người. Mặt khác, Hiến pháp năm 2013 đã giành Chương II ghi nhận về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Như vậy, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định con người ở vị trí trung tâm của các chính sách kinh tế – xã hội, là nhân tố quan trọng để phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong các nội dung về củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vấn đề được đặc biệt coi trọng là việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước trên quan điểm “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Trong đó việc thực thi quyền tư pháp là một nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thiện, tăng cường hiệu lực của bộ máy nhà nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Khi thực thi hoạt động hành pháp, các cơ quan nhà nước (hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước) với những lý do khác nhau có thể ban hành những quyết định hành chính, hành vi hành chính gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Những thiệt hại này là cơ sở tạo nên những mâu thuẫn giữa cơ quan công quyền với cá nhân, công dân, tổ chức. Từ đó, sẽ dẫn đến việc công dân, tổ chức khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc Tòa án nhân dân để khiếu nại, khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính đó. Để giải quyết các khiếu kiện hành chính, cá nhân, tổ chức bị các quyết định hành chính, hành vi hành chính làm xâm hại trực tiếp đến quyền và lợi ích của mình có thể lựa chọn nhiều phương thức giải quyết khác nhau như giải quyết theo trình tự thủ tục hành chính thông qua việc khiếu nại tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân theo trình tự, thủ tục tư pháp. Trong hai phương thức trên thì việc giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân có một vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng, bởi nó thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, thể hiện sự nghiêm túc trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, và đặc biệt là liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức…
Thực tế nước ta với xuất phát điểm từ kinh tế đa phần dân cưsống nhờ nông nghiệp, từ một xã hội phong kiến, nửa thuộc địa, trải qua một thời gian rất dài với hai cuộc chiến tranh lớn, chuyển sang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nên những yếu tố lạc hậu còn ảnh hưởng rất nhiều. Nhìn nhận của xã hội nói chung đối với hoạt động của nhà nước và mối quan hệ giữa nhà nước
với công dân đó là quan hệ mang nặng tính xin, cho; mệnh lệnh một chiều. Người dân thường có quan niệm những việc liên quan đến tòa án giải quyết chỉ là những vụ việc có tính chất hình sự, là mang tính quyền lực trấn áp, và có sự đồng nhất không phân biệt các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Đối với người dân, cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án là một, việc khiếu kiện các cơ quan nhà nước đối với công dân là một việc bất khả thi ngay từ trong suy nghĩ. Về phía các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước cũng có tâm lý như vậy, nhiều năm thực hiện chế độ quản lý thời chiến tạo thành một thói quen mệnh lệnh hành chính – quân sự trong tất cả các quan hệ phát sinh. Từ sau khi thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986, tư duy này mới dần thay đổi. Các tranh chấp được giải quyết bằng tòa án dần mở rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Người dân đã bớt đi sự e ngại khi mang vụ việc tranh chấp ra tòa án để giải quyết, và trong nhận thức đã có sự phân biệt được sự khác nhau về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Trên thực tế, các vụ việc được đưa ra tòa án giải quyết vẫn chỉ tập trung ở các vụ việc dân sự với các tranh chấp phát sinh giữa các cá nhân tổ chức với nhau, còn việc người dân đưa các vụ tranh chấp hành chính ra tòa án giải quyết vẫn còn rất hạn chế. Hình thức giải quyết được ưa thích vẫn là khiếu nại ở các cơ quan nhà nước mà theo họ là có thẩm quyền. Vấn đề này tạo ra khiếu nại vượt cấp, sai thẩm quyền, thời gian kéo dài dai dẳng gây bức xúc xã hội. Nguyên nhân xuất phát từ tâm lý và sự hiểu biết về quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức và của cả những cơ quan trong bộ máy nhà nước còn hạn chế.
Để giải quyết vấn đề đó, Nghị quyết 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã đặt ra yêu cầu cấp bách là: “Đẩy mạnh giải quyết các khiếu kiện của dân… xúc tiến việc thiết lập hệ thống Tòa án hành chính để xét xử các khiếu kiện của dân đối với các quyết định hành chính” [25, tr.34]. Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII tiếp tục khẳng định “xúc tiến thành lập Tòa hành chính trong Tòa án nhân dân, bổ sung thể chế làm căn cứ cho việc xét xử. Xác định mô hình tổ chức và thủ tục tố tụng phù hợp với đặc điểm của các vụ kiện
hành chính” [27, tr.18]. Thể chế hóa các quan điểm, các nhiệm vụ nêu trên của Đảng, đã có nhiều văn bản pháp luật quan trọng để thiết lập thể chế tài phán hành chính góp phần hoàn thiện các chế định giải quyết khiếu kiện hành chính của dân. Kết quả nổi bật là đã hình thành tổ chức và thực hiện hoạt động xét xử hành chính của Tòa án nhan dân.
Từ năm 1996 đến nay, các Tòa án nhân dân đã giải quyết được hàng ngàn vụ khiếu kiện hành chính, góp phần ổn định các quan hệ hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện. Bước đầu, xã hội đã phần nào có sự nhìn nhận, đánh giá việc xét xử các vụ án hành chính là phương thức bảo đảm quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức một cách có hiệu quả khi họ đặt niềm tin pháp lý vào việc khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án. Tuy vậy, nhìn chung vẫn còn không ít những tồn tại. Tình trạng án hành chính bị cải, sửa vẫn thường xuyên xảy ra dẫn đến việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xét xử hành chính còn nhiều hạn chế, đồng thời gây bức xúc xã hội. Có rất nhiều nhân tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xét xử hành chính hành chính, nhưng tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: hệ thống tổ chức Tòa hành chính chưa được hoàn thiện; trình độ chuyên môn của đội ngũ Thẩm phán trực tiếp làm công tác giải quyết án hành chính chưa cao, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt là hệ thống pháp luật hành chính và tố tụng hành chính của nước ta còn khá nhiều những vướng mắc, bất cập, không rõ ràng. Bên cạnh đó, việc tổ chức hệ thống Toà hành chính nằm trong hệ thống Tòa án nhân dân với thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ như hiện nay thì việc xét xử án hành chính chưa thể đạt được kỳ vọng trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, bảo vệ pháp chế.
Trên bình diện quốc tế, hiện nay Việt Nam là thành viên tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đang nỗ lực cùng tất cả các thành viên khác để xây dựng cộng đồng này với mục tiêu lấy con người làm trung tâm, có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết, thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN. Việt Nam còn tham gia còn tham gia một số các điều ước quốc tế có liên quan đến quyền con người. Do đó yêu cầu sự minh bạch, bảo đảm quyền, lợi ích của công dân trong tố tụng nói chung và xét xử vụ án hành chính nói chung lại càng trở thành vấn đề cấp thiết.
Những vấn đề trong nước và quốc tế, những yếu tố chủ quan và khách quan liên quan đến nhà nước và các cá nhân tổ chức trong xã hội đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu một cách toàn diện, sâu rộng vấn đề bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức đặc biệt trong các vụ án hành chính. Tuy nhiên, qua khảo sát các công trình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, vấn đề này chưa được chú ý nghiên cứu chuyên sâu, còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa có sự tập trung. Chính vì thế, việc nghiên cứu một cách khoa học, có hệ thống về vấn đề giải quyết các vụ án hành chính theo trình tự thủ tục tư pháp dưới góc nhìn xét xử vụ án hành chính là một phương thức để thực hiện việc bảo đảm quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức và làm thế nào để nâng cao hiệu quả, chất lượng của phương thức này là một công việc có ý nghĩa thiết thực. Xuất phát từ những yêu cầu cả về lý luận và thực tiễn, nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài: “Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xét xử các vụ án hành chính ở Việt Nam” làm luận án tiến sĩ luật học.