LA02.078_Ảnh hưởng của công nghiệp hỗ trợ đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam – Nghiên cứu trường hợp Tỉnh Vĩnh Phúc
Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận
– Thứ nhất, luận án đã phân tích được những ảnh hưởng của công nghiệp hỗ trợ đến thu hút FDI gồm: ảnh hưởng đến quy mô FDI, ảnh hưởng đến chất lượng FDI và ảnh hưởng đến cơ cấu FDI. Cụ thể, ngành CNHT phát triển có thể góp phần mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng FDI. Về cơ cấu, FDI có xu hướng chảy vào những lĩnh vực công nghiệp và những địa phương có ngành CNHT phát triển. Đóng góp mới này của luận án đã góp phần bổ sung khung lý thuyết cho việc phân tích những ảnh hưởng của công nghiệp hỗ trợ đến thu hút FDI vào các nước đang phát triển.
– Thứ hai, kết quả phân tích nhân tố khám phá (EFA) của luận án cho thấy cả 6 yếu tố: chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng, công nghệ, trách nhiệm và hợp tác lâu dài, lao động đều có ý nghĩa giải thích cho sự hài lòng của doanh nghiệp FDI khi đánh giá doanh nghiệp hỗ trợ. Trong đó, yếu tố lao động được cho là có tác động lớn nhất đến mức độ hài lòng của doanh nghiệp FDI.
– Thứ ba, kết quả mô hình Logit cho thấy: tỷ lệ vốn đầu tư cho công nghệ là yếu tố tác động mạnh nhất đến khả năng các doanh nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung cấp của các doanh nghiệp FDI. Tiếp đến lần lượt là các yếu tố tỷ lệ nguồn lao động chất lượng cao, sự bất cân xứng về thông tin, cuối cùng là tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản. Điều này cho thấy lợi nhuận chưa hẳn đã là yếu tố quan trọng khi lựa chọn nhà cung cấp.
Những đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy, để tăng cường thu hút FDI cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Vì vậy, luận án đã đề xuất một số giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ góp phần thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian tới như sau: Hoàn thiện chính sách phát triển CNHT, hỗ trợ về vốn, hỗ trợ phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng mô hình phát triển CNTH, v.v… Đặc biệt, luận án nhấn mạnh đến giải pháp tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp FDI như: xây dựng cơ sở dữ liệu về CNHT, tổ chức hội chợ, triển lãm, xúc tiến đầu tư, v.v… Để những giải pháp này được triển khai một cách hiệu quả, thì ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp hỗ trợ, cần có sự tham gia của Chính Phủ, các Bộ ban ngành có liên quan và các ngân hàng thương mại.