LA44.007_Ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010
1. Lý do chọn đề tài
Trong những thập niên cuối thế kỷ XX, trên thế giới, trong giới khoa học nói chung và giới văn học nói riêng, có một khái niệm, tuy chưa có được một cách hiểu thống nhất, nhưng lại được sử dụng và bàn đến nhiều nhất, đó là khái niệm “chủ nghĩa hậu hiện đại” (postmodernism). Chủ nghĩa hậu hiện đại gần như đã trở thành tinh thần của thời đại mới, vượt qua thời hiện đại và được gọi là thời “hậu hiện đại” hay “kỷ nguyên hậu hiện đại”. Chủ nghĩa hậu hiện đại vừa được xem là một chủ thuyết triết học, cũng vừa là một phong trào xã hội được áp dụng vào hầu khắp các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, nghệ thuật, giáo dục, tôn giáo… Trong văn học, các nhà nghiên cứu đã xây dựng nên một hệ thống lý thuyết hậu hiện đại, một mặt, được dùng để áp dụng vào việc nghiên cứu tác phẩm, được sử dụng làm tiêu chí phân loại và định dạng tác phẩm; mặt khác, được sử dụng để cụ thể hoá quá trình nhận thức luận về tinh thần văn học hậu hiện đại.
Như vậy, hậu hiện đại là một cách gọi để chỉ về một sự vận động, mà sự vận động đó đang tạo nên một hệ hình tư duy mới, có nhiệm vụ thay thế cho hệ hình tư duy hiện đại đã không còn phù hợp, kể cả trong kinh tế, chính trị và trong văn hóa tinh thần. Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, chủ nghĩa hậu hiện đại đang còn rất mới, chỉ được chính thức thừa nhận từ những thập niên 60 (thế kỷ XX) đến nay. Không ai biết được tường tận những gì sẽ xảy ra trong tương lai để hình dung cụ thể hơn về hiện tại, để xác lập lại các nguyên tắc, các điều kiện có tính định hướng cho một con người, cho một xã hội và tổng thể xã hội mang tính toàn nhân loại. Chủ nghĩa hậu hiện đại, trong những khả năng và giới hạn của nó, sẽ góp phần giải quyết những vấn đề quá phức tạp này. Ở Việt Nam, lý thuyết văn học hậu hiện đại ngày càng được quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng vào đời sống văn học, từ hoạt động của nhà nghiên cứu đến sáng tạo của người nghệ sĩ. Thực tiễn những năm qua mà khoa học văn học cũng như lĩnh vực sáng tác đã đạt được, đã chứng minh tính khoa học, tính khách quan và tính chân lý của chủ nghĩa hậu hiện đại. Dưới tác động của lý thuyết văn học hậu hiện đại, chúng ta không chỉ phát hiện và thừa nhận những giá trị sáng tạo của những nhà văn đương đại, mà còn có cơ sở lý luận để nhận thức lại, đánh giá lại những kết quả đã qua, kể cả trong sáng tác và trong nghiên cứu.
Việc vận dụng lý thuyết văn học hậu hiện đại vào nghiên cứu những sáng tác của các nhà tiểu thuyết Việt Nam đã có những chuyển động và những thay đổi thực sự, cả nội dung và hình thức. Tinh thần hậu hiện đại đã soi chiếu vào tư duy tiểu thuyết, có thể nói đã tạo nên một sự biến đổi lớn lao ở thể loại này. Qua thời gian, những sáng tác của các nhà tiểu thuyết Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Tú, Đặng Thân, Châu Diên, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư… đã được xã hội thừa nhận. Có một sự thật hiển nhiên được nhận thức trong giới văn học là không thể viết như trước được nữa, nếu như muốn có người đọc. Về cơ bản, những thành tựu mà tiểu thuyết đạt được là nhờ sự tiếp thu, vận dụng một cách sáng tạo quan niệm nhận thức, kinh nghiệm viết hậu hiện đại của các nhà văn Việt Nam. Đây chính là lý do chính để chúng tôi lựa chọn đề tài luận án Ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, nhằm góp phần khẳng định những giá trị thực sự của bộ phận tiểu thuyết theo khuynh hướng hậu hiện đại. Trên cơ sở nghiên cứu có tham khảo tư liệu của những người cùng thời, chúng tôi muốn tạo dựng một cái nhìn toàn cảnh về sự hình thành và từng bước phát triển của tiểu thuyết theo xu hướng này.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
– Đối tượng nghiên cứu: Luận án tập trung nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010. Tuy nhiên, do yêu cầu của đề tài nên chỉ tập trung ở những tiểu thuyết mang sắc thái, dấu ấn hậu hiện đại.
– Phạm vi nghiên cứu: Luận án giới hạn phạm vi nghiên cứu về những ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010.
3. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện luận án, chúng tôi sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu chính:
– Phương pháp lịch sử – loại hình: dùng để khảo sát sự hình thành và vận động của lý thuyết hậu hiện đại, đặc trưng và các quan niệm riêng của các nhà lý luận trong các lĩnh vực triết học, văn hóa, văn học, nghệ thuật.
– Phương pháp cấu trúc – hệ thống: dùng để tìm hiểu, nghiên cứu một cách hệ thống các khuynh hướng triết học như Hiện tượng luận – Tường giải học; Cấu trúc luận – Giải cấu trúc luận. Các tiểu thuyết có dấu ấn hậu hiện đại Việt Nam cũng được nghiên cứu qua phương pháp này.
– Phương pháp liên ngành văn hóa – văn học: dùng để khảo sát quá trình hình thành chủ nghĩa hậu hiện đại (điều kiện triết học, kinh tế – xã hội, văn hóa – nghệ thuật) và nghiên cứu đặc thù lịch sử, văn hóa, văn học dân tộc trong tiểu thuyết theo xu hướng hậu hiện đại Việt Nam.
– Phương pháp so sánh – đối chiếu: dùng để nghiên cứu những tương đồng và riêng biệt trong tư duy nghệ thuật của các nhà tiểu thuyết theo xu hướng hậu hiện đại Việt Nam.
4. Đóng góp khoa học của luận án
Luận án trình bày những vấn đề chính của tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, sự phát triển của khuynh hướng tiểu thuyết gắn với chủ nghĩa hậu hiện đại, góp phần cung cấp một số kiến thức cơ bản để có một cái nhìn tổng thể về tiểu thuyết Việt Nam những năm này. Luận án có thể được xem là một trong những công trình đầu tiên, tương đối có hệ thống nghiên cứu về ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam đương đại, những mặt tích cực và những hạn chế của chủ thuyết này đem lại. Luận án hoàn thành sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho việc tìm hiểu, học tập, nghiên cứu về chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học hậu hiện đại.
5. Cấu trúc luận án
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận án được triển khai trong 4 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2. Tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam từ 1986 đến 2010
Chương 3. Tư duy nghệ thuật hậu hiện đại trong tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010 – nhìn từ quan niệm nghệ thuật, tâm thức sáng tạo và thế giới nhân vật
Chương 4. Tư duy nghệ thuật hậu hiện đại trong tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010 – nhìn từ phương thức biểu hiện