LA02.076_An toàn tài chính của các công ty chứng khoán Việt Nam
Những kết luận mới của luận án:
Thứ nhất: Hệ thống hóa, bổ sung những vấn đề lý luận về an toàn tài chính của công ty chứng khoán (CTCK). Luận án làm rõ những đặc trưng và sự cần thiết phải đảm an toàn tài chính của CTCK. Xây dựng được hệ thống chỉ tiêu đánh giá an toàn tài chính của CTCK và phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến an toàn tài chính của công ty chứng khoán.
Thứ hai: Nghiên cứu kinh nghiệm về quy định an toàn tài chính đối với CTCK tại một số nước ASEAN, tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, từ đó rút ra bốn bài học tham khảo có giá trị cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, với việc nghiên cứu sự mất an toàn tài chính của một số ngân hàng đầu tư trong khủng hoảng tài chính, luận án đã rút ra hai bài học quý báu về xây dựng chiến lược kinh doanh và quản trị rủi ro cho các công ty chứng khoán Việt Nam.
Thứ ba: Phân tích thực trạng an toàn tài chính của các CTCK Việt Nam theo các chỉ tiêu được xây dựng, đánh giá mức độ an toàn theo mô hình Camel và theo Thông tư 226/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2010, từ đó phân nhóm, xếp loại các CTCK theo mức độ an toàn tài chính. Luận án cũng rút ra nhận xét về kết quả cũng như tồn tại, hạn chế trong việc đảm bảo an toàn tài chính của các CTCK. Luận án đã phân tích những nguyên nhân dẫn đến thực trạng bao gồm cả những nguyên từ phía các công ty chứng khoán như năng lực tài chính thấp, năng lực quản trị công ty, quản trị rủi ro còn hạn chế, mô hình hoạt động chưa phù hợp… Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ phía các cơ quan quản lý như hiệu quả giám sát an toàn tài chính chưa cao, khung pháp lý còn chưa hoàn chỉnh, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự hiệu quả…
Thứ tư: Đưa ra quan điểm đảm bảo an toàn tài chính của các CTCK Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề xuất hệ thống giải pháp nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho các CTCK theo hai nhóm: Đối với các CTCK, cần nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, tăng cường quản trị rủi ro và vai trò của hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ, kiện toàn mô hình hoạt động. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cấu trúc các CTCK, tăng cường giám sát an toàn tài chính đối với các CTCK, hỗ trợ việc nâng cao chất lượng và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhân sự ngành chứng khoán, đồng thời tiếp tục hoàn thiện nguyên tắc, khuôn khổ pháp lý cho thị trường chứng khoán.