ThS17.020_Nghiên cứu địa danh thành phố điện biên phủ và huyện điện biên
v
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Địa danh là một bộ phận từ vựng của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng. Nghiên cứu địa danh một vùng cung cấp cho ta những cơ sở để tìm hiểu những cơ chế định danh của một sự vật, hiện tượng. Mỗi ngôn ngữ có cách định danh riêng.
1.2. Địa danh liên quan chặt chẽ đến lịch sử, văn hoá, cư dân của một vùng nhất định. Địa danh lưu giữ những trầm tích của lịch sử, văn hoá, phong tục, tập quán cư dân của một vùng đất. Nghiên cứu địa danh sẽ giúp nghiên cứu văn hóa, lịch sử của vùng đất ấy.
1.3. Địa danh có những nguyên tắc riêng trong cấu tạo, trong cách gọi tên, có thể một địa danh có nhiều tên gọi khác nhau, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Nghiên cứu địa danh giúp nghiên cứu lịch sử một vùng đất, giúp khám phá sự ảnh hưởng và tác động của những nhân tố bên ngoài vào cách đặt tên địa danh: đất nước học, tôn giáo, tín ngưỡng, lịch sử tộc người… Trong hoàn cảnh một vùng đất có nhiều dân tộc nối tiếp nhau sinh sống, địa danh có nhiều dấu tích từ vựng của các ngôn ngữ. Mỗi địa danh được hình thành trong một hoàn cảnh văn hoá, lịch sử nhất định và còn lưu dấu mãi về sau. Nhiều địa danh thường mang tên người, cây cỏ, cầm thú, sự vật, địa hình thiên nhiên…
1.4. Điện Biên nói chung, thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên nói riêng là một trong những mảnh đất giàu ý nghĩa lịch sử. Khảo sát địa danh thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên giúp chúng ta nghiên cứu một chặng đường lịch sử lâu dài và hào hùng của dân tộc ta; giúp chúng ta học tập, giữ gìn truyền thống văn hoá dân tộc, đồng thời góp phần vào việc phát triển kinh tế, văn hoá xã hội và mở rộng phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên. Với những lý do nêu trên, chúng tôi chọn đề tài “Nghiên cứu địa danh thành phố Điện Biên Phủ và huyện
Điện Biên” làm đối tượng nghiên cứu của luận văn.
2. Đối tượng và nội dung nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Các địa danh địa hình thiên nhiên, đơn vị dân cư và công trình nhân tạo của thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên và đặc điểm ngôn ngữ – văn hoá của một số địa danh thuộc hai địa bàn này.
2.2. Nội dung nghiên cứu
Xác định những cơ sở lí luận liên quan đến việc nghiên cứu địa danh và địa danh học. Nội dung của luận văn, chúng tôi tập trung vào các mặt sau:
– Nghiên cứu những đặc điểm về phương diện cấu tạo của các địa danh địa hình thiên nhiên, đơn vị dân cư và công trình nhân tạo của thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.
– Tìm hiểu về phương thức định danh các địa danh địa hình thiên nhiên, đơn vị dân cư và công trình nhân tạo của thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên đồng thời qua đó bước đầu tìm hiểu về nội dung ngữ nghĩa địa danh.
– Ở một chừng mực nhất định tìm hiểu mối quan hệ giữa ngôn ngữ – văn hoá và lịch sử trong những địa danh nổi tiếng của thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên